LienVietPostBank ra mắt và chuyển đổi chiến lược kinh doanh
Cập nhật ngày: 01/08/2011 4:23 PM

Chiến lược phát triển sắp tới của LienVietPostBank là trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, T.S Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết tại lễ ra mắt chính thức thương hiệu LienVietPostBank, diễn ra tối 29/7 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, việc ngân hàng mang tên mới hoàn toàn không phải là chuyện “bình mới, rượu cũ”, mà là sự thay đổi rất căn bản, và lớn nhất là thay đổi chiến lược hoạt động.
“LienVietPostBank sẽ thay đổi hẳn về chiến lược kinh doanh. Từ một ngân hàng bán buôn, bán lẻ kết hợp kinh doanh đa năng, ngân hàng sẽ chuyển sang bán lẻ, mục tiêu là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, phát triển mạnh các sản phẩm tài chính vi mô” – ông Hưởng chia sẻ.
Tên gọi mới Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kể từ ngày 22/7/2011, gắn với sự tham gia của cổ đông chiến lược mới - Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post).
Cụ thể, Vietnam Post góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) tương đương với 360 tỷ đồng - con số chính thức về giá trị doanh nghiệp sau khoảng hai năm định giá, và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt để tăng tổng số vốn góp của Vietnam Post lên đến 997 tỷ đồng, tương đương với gần 15% cổ phần của LienVietPostBank.
Định hướng phát triển mới, theo ông Hưởng, là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ một ngày sau khi chính thức đổi tên, mạng lưới LienVietPostBank đã có sự phát triển bằng ít nhất 100 năm, mở ra cơ hội kinh doanh vô cùng lớn. Đó là 10.000 điểm giao dịch của VPSC trên toàn quốc, và điều đặc biệt, là hầu hết nằm ở “km số 0”, tức là vị trí trung tâm của các địa bàn. Trong khi đó, ngay cả một ngân hàng có bề dày phát triển như Agribank, hiện cũng chỉ có trên 2.500 điểm giao dịch trên toàn quốc.
“Ở đâu có bưu điện, ở đó có dịch vụ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho dù là những khó khăn nhất ở vùng sâu, vùng xa. Có phương án khai thác hiệu quả hệ thống mạng lưới đó sẽ tạo lợi thế lớn cho một ngân hàng còn non trẻ như Liên Việt” – ông Hưởng nói.
Sau khi chính thức đổi tên, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 29/7 của LienVietPostBank, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VietNam Post được bầu bổ sung làm thành viên Hội đồng Quản trị LienVietPostBank để đáp ứng yêu cầu chiến lược mới. Nhận định về khả năng phát triển của mô hình ngân hàng bưu điện đầu tiên, với sự tham gia của mảng bưu chính, ông Bình cho rằng, đó là xu hướng phát triển phù hợp.
“Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện đã có 13 năm phát triển, có chỗ đứng nhất định trên thị trường tài chính. Dựa vào mạng lưới rộng lớn của bưu chính trên cả nước, dịch vụ Tiết kiệm bưu điện đã có hơn 360.000 khách hàng, với số dư huy động đạt gần 7.000 tỷ đồng. Qua theo dõi, chúng tôi thấy chính các tỉnh, thành phố ở vùng kinh tế trọng điểm có số lượng khách hàng lớn, giá trị huy động cao. Nhưng do tính chất đặc thù của dịch vụ tiết kiệm bưu điện là chỉ có một gói sản phẩm với lãi suất ấn định, không hoạt động theo chức năng của một ngân hàng nên tính chất “dịch vụ”, thị trường bị hạn chế. Khi kết hợp với ngân hàng, phát huy được thế mạnh của mạng lưới bưu chính, dịch vụ sẽ hiệu quả hơn, sản phẩm sẽ đến gần với người dân hơn” – ông Bình phân tích.
Ông Bình cho hay, hiện 800 bưu cục trong số 10.000 điểm giao dịch trên cả nước đã có dịch vụ tiết kiệm bưu điện. VietNam Post sẽ cùng LienVietPostBank có kế hoạch phát triển, đẩy mạnh khai thác hệ thống. Theo dự kiến của lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, mỗi năm Ngân hàng sẽ triển khai dịch vụ đến hơn 1.000 điểm giao dịch, để đến năm 2018, các dịch vụ của ngân hàng sẽ có mặt tại trên toàn hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch.
Trước những băn khoăn về khả năng vận hành hệ thống giữa hai đơn vị, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Hưởng cho biết, hiện tất cả các ngân hàng đều phải thuê đường truyền của bưu chính viễn thông, do đó hệ thống của LienVietPostBankvẫn vận hành đương nhiên và liên tục. Vấn đề còn lại là ngân hàng sẽ chuẩn bị một hệ thống ngân hàng lõi phù hợp để triển khai nghiệp vụ đến từng điểm giao dịch trong thời gian tới. Do đó, thách thức lớn nhất chính là vấn đề con người, làm sao để nhân lực của ngân hàng và của bưu chính cùng hoạt động tốt.
“Dựa trên mức độ các dịch vụ ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai, chúng tôi sẽ có kế hoạch đào tạo trực tiếp và trực tuyến để có đội ngũ nhân lực hợp chuẩn, cấp chứng chỉ cho nhân lực đạt yêu cầu để vận hành mạng lưới mới. Sản phẩm ngân hàng của chúng tối phải hướng tới sự đơn giản, hiệu quả để người dân dễ hiểu, nhân viên dễ triển khai, nhắm đến mục tiêu cuối cùng là sản phẩm của LienVietPostBank đến được tận tay khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đưa LienVietPostBank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam” – ông Hưởng chia sẻ.
Huy Hào
(Đầu Tư)