Tin tức

TT. Huế Hướng đến trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng
Hướng đến trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng
 
Cập nhật lúc 07:44 | 05/08/2011 (GMT+7)
 

Với 6 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, 15 NHTM cổ phần, 7 quỹ tín dụng nhân dân (chưa kể các tổ chức tín dụng khác) hiện diện trên địa bàn, là cơ sở để Thừa Thiên Huế hướng đến một trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai.

Huế ngày càng có nhiều ngân hàng
Huế ngày càng có nhiều ngân hàng

Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, như Long Thọ, Hương Giang, Dệt-May-Sợi Huế và một số khách hàng có mối quan hệ truyền thống với hệ thống ngân hàng trên địa bàn, họ đều có chung một nhận xét: Ngày trước, muốn đi vay một khoản tiền, người vay đâu có được sự lựa chọn “nhà băng” như bây giờ, miễn sao có ngân hàng đồng ý cho vay là may lắm rồi. Nay, ra phố gặp ngân hàng, thậm chí ngân hàng tiếp thị sản phẩm dịch vụ của mình tận ngõ nhà khách hàng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống

Theo ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, hầu hết các NHTM trên địa bàn đã cơ cấu lại theo đề án được Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển của mô hình tổ chức NHTM hiện đại, từ đó tăng cường năng lực thể chế, năng lực tài chính và phát triển dịch vụ ngân hàng. Theo đó, các NHTM quốc doanh đã tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng, các NHTM cổ phần đều đạt 1.000 tỷ đồng; đồng thời, đổi mới bộ máy quản lý, kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Các NHTM đã phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng đa dạng, đa tiện ích được định hướng theo nhu cầu của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ ngân hàng truyền thống, cải tiến thủ tục giao dịch. Các tổ chức tín dụng huy động tối đa các nguồn vốn tại địa phương, trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân tích luỹ tài sản, đầu tư và gửi tiền vào ngân hàng trên cơ sở bảo đảm lợi ích kinh tế của người gửi tiền. Đa dạng hoá các phương thức và hình thức huy động vốn bằng VND và ngoại tệ hấp dẫn với các thủ tục và điều kiện giao dịch thuận tiện, trong đó chú trọng các nguồn tiền gửi và tiết kiệm của khách hàng, tổ chức kinh tế. Tính đến đầu tháng 8/2011, nguồn vốn huy động đạt trên 13.800 tỷ đồng, bình quân tăng hơn 20%/năm.
 
Nhiều NHTM thực hiện việc đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng dưới các hình thức cấp tín dụng: Cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá, bảo lãnh, bao thanh toán, thấu chi và các hình thức cấp tín dụng khác để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế. Tính đến đầu tháng 8-2011, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 12.600 tỷ đồng, bình quân tăng hơn 27%/năm; tỷ trọng dư nợ tín dụng trung, dài hạn trên tổng dư nợ hơn 60%. Các ngân hàng dành nguồn vốn thích hợp để mở rộng tín dụng trung, dài hạn đối với các dự án, công trình đầu tư có hiệu quả kinh tế như thuỷ điện, xi măng, bia, sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu...
 
Mở rộng dịch vụ thanh toán ngân hàng hiện đại
 
Hệ thống thanh toán ngân hàng tiếp tục được ứng dụng công nghệ hiện đại và tự động hoá, mở rộng dịch vụ và tăng nhanh tốc độ xử lý. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng giai đoạn 2 được vận hành chính thức, góp phần mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán, chu chuyển vốn của nền kinh tế. Các NHTM phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở hệ thống công nghệ kỹ thuật và hệ thống thanh toán ngân hàng hiện đại, an toàn, tin cậy, hiệu quả, phù hợp với thông lệ; nghiệp vụ phát hành thẻ (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước) được chú trọng và phát triển, với trên 345.000 thẻ được phát hành.

Hiện, trên địa bàn có 16/21 NHTM cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản cho hơn 400 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang, với hơn 22.000 cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách; tập trung ở TP Huế và khu công nghiệp Phú Bài, Hương Sơ. Với hơn 175 máy giao dịch tự động (ATM) của các ngân hàng phân bổ đều trong toàn tỉnh và hơn 400 máy chấp nhận thẻ đặt tại các siêu thị, cửa hàng nhằm tăng tiện ích của thẻ ngân hàng trong thanh toán, mua bán hàng hoá dịch vụ và đã hình thành hệ thống kết nối chuyển mạch thanh toán thẻ giữa các NHTM; đồng thời thực hiện lộ trình ngành ngân hàng đã đề ra.
 
Các NHTM có nhiều biện pháp hữu hiệu để thu hút kiều hối, chuyển tiền quốc tế qua hệ thống ngân hàng; mở rộng các điểm, phương thức chi trả kiều hối thuận tiện; củng cố, chấn chỉnh hoạt động thu đổi ngoại tệ, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp lý mạng lưới đại lý, bàn thu đổi ngoại tệ để tạo điều kiện thu hút ngoại tệ trôi nổi trên thị trường, phục vụ nhu cầu của người cư trú và không cư trú. Với hơn 35 bàn thu đổi ngoại tệ trên địa bàn, trong đó có 25 bàn thu đổi trực tiếp, 10 bàn đại lý và 10 đại lý chi trả kiều hối; đến đầu tháng 8-2011, chi trả kiều hối đạt 55 triệu USD, thu đổi ngoại tệ đạt 8 triệu USD…
 

Bạch Quang (TTH)

Tin tức liên quan