Xúc cảm trước thềm năm học mới
Ngày cập nhật: 05/09/2011 08:36 AM
Chuyện học hành đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, là cơ hội lớn cho đất nước, cho dân tộc. Vấn đề còn lại đòi hỏi các nhà sư phạm, các nhà quản lý giáo dục nắm bắt, ứng xử như thế nào để đừng vuột mất vận hội ngàn vàng như vậy…
Chuyện học hành “soán ngôi” chuyện ăn mặc
Thấm thoắt mà đã mấy mươi năm, lũ học trò lóc nhóc chúng tôi ngày ấy nay đã đều ở lứa tuổi 45-47. Đứa lập gia đình sớm nay đã lên chức ông bà ngoại. Đứa muộn lắm thì con cũng đã vào lớp 5 lớp 7 cả. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi chỗ đứng khác nhau trong xã hội, nhưng thỉnh thoảng khi có bạn bè ở phương xa về, anh em lại cố “hú” nhau, cố sắp xếp thời gian để ngồi với nhau một lát…
Vô số đề tài trong những câu chuyện mỗi lần chúng tôi họp mặt như thế. Nhưng rồi, tôi tẩn mẩn để ý, cho dù chuyện đông chuyện tây thế nào đi nữa, cuối cùng tất cả đều gặp nhau và dừng lại rất lâu ở chuyện nuôi dạy, học hành của con cái. Có bạn khiến mọi người phải “ganh tị” khi có con năm nay đã tốt nghiệp đại học. Cháu học thật giỏi, từ thời tiểu học đến phổ thông và kể cả khi đã vào đại học. Thế nên vừa mới ra trường là đã có nhiều công ty danh tiếng mời gọi ngay. Mẹ của cháu… phổng mũi khi được bạn bè xúm lại “học tập kinh nghiệm”. Tất nhiên, không nhiều lắm những cháu như thế. Song, điều mà bạn bè lớp tôi cảm thấy hài lòng, cảm thấy hạnh phúc là ai cũng mong mỏi, cũng hy vọng và chăm lo để cho con cái mình được học hành đến nơi đến chốn. Có điều, không phải ai cũng “thuận duyên” cả. Có người thì học phí, sách vở, bút cặp cho con là không có vấn đề gì. Nhưng cũng có bạn phải lo phờ mặt phờ mày mỗi khi trống khai trường sắp giục. Vậy là anh em lớp tôi hội ý, thống nhất tùy tâm lập quỹ. Rồi cứ mỗi độ hè hết thu sang, khi năm học mới bắt đầu gõ cửa, lớp cắt cử nhau mang đến tận nhà hỗ trợ cho các cháu bộ sách giáo khoa, chục vở, cái cặp…Cũng “không là cái gì cả”, nhưng với bạn, với các cháu, đó là sự hỗ trợ kịp thời, sự động viên tinh thần vô cùng quý báu trên từng nấc thang học vấn, trên từng nấc thang trở thành một công dân hữu ích cho xã hội…
Mà không chỉ có bạn bè của lớp tôi. Nghề làm báo tạo cho tôi cơ hội được lang thang đây đó, được tiếp xúc, chuyện trò với nhiều người, nhiều đối tượng trong xã hội. Nếu như trước đây, ai cũng xem cái ăn, cái mặc là ưu tiên số 1: Ở thành phố, nhiều gia đình chỉ cần cho con học đến cấp…biết chữ là nghỉ để đi học nghề, để phụ giúp gia đình chạy chợ; ở nông thôn, chăn trâu cắt cỏ, heo gà, ruộng nương…luôn “khát” lao động và khỏa lấp tuổi học trò của không ít học sinh; và những tay lưới, những mẻ cá tôm luôn quan trọng hơn cái chữ của con em rất nhiều gia đình miệt biển… Thì giờ đây, niềm tự hào, niềm hy vọng của mọi gia đình từ miền ngược đến miền xuôi đều đặt vào sự học hành của con em. Không cần phải tuyên truyền, không cần phải vận động thì các bậc phụ huynh đều ý thức được rằng sự học chứ không phải gì khác chính là chiếc chìa khóa để mở toang cánh cửa tương lai cho con cái họ, cho dòng tộc họ. Chính vì thế mà chưa bao giờ phong trào khuyến học khuyến tài lại nở rộ và phát triển mạnh mẽ như bây giờ….
Một thoáng hồi ức về thầy cũ
Chiều đi làm về, thấy lũ con nít trong xóm tíu tít gọi nhau khoe áo mới, cặp mới... Lại một năm học nữa sắp gõ cửa. Nhanh thật. Chợt nhớ thằng bạn thân đang lưu lạc nơi trời Nam. Tội nghiệp, gia đình thuộc hạng danh gia vọng tộc đất Kinh kỳ, nhưng rồi mồ côi cha sớm, lại thêm những biến động thời cuộc, gia đình nó rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Những năm đó kinh tế bị “ngăn sông cấm chợ”, mẹ và chị nó vào Đà Nẵng buôn lậu gạo, đường, bánh kẹo… theo đường sắt ra Huế. Mấy anh em ở nhà, khuya phải kéo nhau lên “phục” dọc đường ray từ Trường Bia về An Cựu để đón hàng ném từ trên xe lửa xuống. Có những chuyến tàu ra muộn, đón xong hàng mang gửi giấu vào các gia đình xung quanh thì đến giờ học. Không kịp ăn sáng, nó hớt hải chạy thẳng về trường cho kịp vào lớp. Đâu chừng nửa buổi thì mặt mày xanh như tàu lá, tay chân run rẩy không còn học nổi. Đói! Thầy giáo chủ nhiệm của chúng tôi lúc ấy là thầy Bửu Đỉnh- một người thầy hiền lành, dạy hay và đặc biệt có tài kể chuyện hết sức cuốn hút- một vài lần bắt gặp bạn tôi như vậy, thầy lặng lẽ dẫn xuống bác cai trường, mua mấy hào khoai sắn cho ăn để lấy sức. Mà hồi ấy thầy cũng nghèo lắm, lương giáo viên tiểu học không đủ nuôi vợ nuôi con…
Chuyện đã ba mươi mấy năm, nhưng ân tình ấy, thằng bạn tôi không bao giờ quên, cứ nhắc hoài mỗi khi gặp bạn bè cùng lớp. Thỉnh thoảng ra Huế, nó lại lang thang đi tìm nhà thầy, cho mãi đến năm rồi nó mới tìm được nhà và đem cả vợ đến thăm thầy. Ngày tạm biệt Huế, thấy nó vui và có vẻ toại nguyện…Là bạn chí thân, nó tâm sự với tôi, đời học trò gặp những người thầy như thầy Bửu Đỉnh là cả sự may mắn lớn. Thầy như vậy, trò không học là vô ơn. Chính hình ảnh của thầy đã thôi thúc, đã tiếp sức mạnh cho nó vượt mọi khó khăn để có thể nắm được tấm bằng đại học. Hai đứa con của nó bây giờ vẫn thường được bố kể cho nghe về người thầy nơi núi Ngự sông Hương, về một thời đi học đầy truân chuyên, nhọc nhằn của bố chúng. “Cho lũ nhóc thấy chúng hạnh phúc, sung sướng hơn chúng ta nhiều để cố gắng mà học và học cho giỏi, nếu không thì… ẹ lắm ” - bạn tôi thủ thỉ.
Giờ ngoại khóa của học sinh Phong Sơn (Phong Điền)
Cơ hội lớn và điều ước lớn…
”Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục”; “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.”…-Rất nhiều những “tổng kết” của người xưa, của nhiều quốc gia, dân tộc đã nhận định như vậy đối với tầm quan trọng của giáo dục. Việt Nam ta giờ đây, có thể khẳng định, chuyện học hành đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, là cơ hội lớn cho đất nước, cho dân tộc. Vấn đề còn lại đòi hỏi các nhà sư phạm, các nhà quản lý giáo dục nắm bắt, ứng xử như thế nào để đừng vuột mất vận hội ngàn vàng ấy…
Niềm vui, niềm hy vọng giờ đây dồn vào chuyện học hành của con cái
Bước vào năm học mới 2011-2012, một thông tin làm cho đông đảo phụ huynh cảm thấy phấn chấn là Bộ GD-ĐT đã quyết định “giảm tải” chương trình cho tất cả các bậc học, từ tiểu học đến THCS và THPT đều sẽ được điều chỉnh lược bớt kiến thức. Phụ huynh phấn chấn là bởi vì họ đã quá mệt mỏi khi phải chứng kiến những chiếc cặp sách quá khổ quá tải hằng ngày đè nặng trên những đôi vai của các em nhỏ; quá mệt mỏi khi hàng đêm lại phải cùng con “đánh vật” với những kiến thức mà ngay chính cả người lớn đôi khi còn phải nhăn mày nhíu trán vẫn không nghĩ ra…. “Chúng tôi nghĩ việc này cần phải làm từ rất lâu chứ không phải chờ đến lúc này. Có những bài nằm trong chương trình, lâu nay giáo viên đều thấy không cần thiết nhưng vì “bắt buộc” nên không dám bỏ qua…”; “Chương trình môn ngữ văn khối lớp 6 rất nặng phần tiếng Việt. HS hơn 10 tuổi mà phải học về phương pháp ẩn dụ, hoán dụ, cụm động từ, cụm tính từ... rất khó khăn. Vì khó nên các em mau quên, lên lớp 7 phải nhắc lại, thậm chí đến lớp 8, lớp 9 giáo viên vẫn phải ôn lại phần kiến thức này. Nếu để đến lớp 9 thì HS sẽ học nhanh hơn và nhớ lâu hơn…”. Giới giáo viên đồng cảm và có những phát biểu như vậy sau khi nhận được chủ trương của Bộ. Tuy nhiên, cũng không phải không có ý kiến nuối tiếc khi cho rằng có những bài lẽ ra cần học, nên học thì lại bị lược bỏ hoặc bị chuyển sang phần “đọc thêm một cách “oan uổng”. Những ý kiến nhiều chiều như vậy khiến phụ huynh không khỏi một thoáng băn khoăn. “Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì .” - Đại văn hào Nga Lev. Tolstoy đã từng nói như vậy. Giảm tải được biết như là một phần trong lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục. Góc độ là một phụ huynh, chúng tôi hy vọng những nhà quản lý giáo dục sẽ có sự chọn lựa chính xác, làm tiền đề để sự đổi mới giáo dục lần này thật sự căn cơ, thực sự hiệu qủa. Đừng một lần nữa lại khiến xã hội phải“phập phồng” với “cải cách, đổi mới”… chẳng giống ai, đừng tái diễn việc đem học trò làm “vật thí nghiệm” mà một thời dư luận đã quá than phiền. Đó là điều ước lớn nhất khi tiếng trống khai trường sắp bắt đầu vang vọng …
Hiền An (TTH)