Thư viện pháp luật chung

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 02/2012
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 02/2012

Cập nhật 01/02/2012 09:00 AM


Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho công trình cấp nước (Ảnh minh họa - Nhà máy nước Hòa Bình Chương)

Tăng phụ cấp đặc thù cho công chức, viên chức ngành y tế; Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các hội có tính chất đặc thù; Chế độ mới đối với phạm nhân; Danh mục 20 sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn ngành giao thông; Giảm thời gian cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa nhạc còn 5 ngày; Phí hoa tiêu hàng hải không phải chịu thuế giá trị gia tăng; Phí hoa tiêu hàng hải không phải chịu thuế giá trị gia tăng; 8 điều kiện cho vay ra nước ngoài; Cơ chế tổ chức, quản lý của trường đào tạo, bồi dưỡng; Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho công trình cấp nước...là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 02/2012.

 

            Tăng phụ cấp đặc thù cho công chức, viên chức ngành y tế

            Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2012; bãi bỏ Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/07/2003 và Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 22/07/2009.

            Cụ thể, chế độ phụ cấp thường trực, người lao động thường trực 24/24 giờ sẽ được hưởng mức phụ cấp 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt tăng thêm 45.000 đồng/người/phiên trực so với quy định trước đây. 

            Đối với bệnh viện hạng II, người lao động thường trực 24/24 giờ sẽ được hưởng mức phụ cấp 90.000 đồng/người/phiên trực thay cho mức cũ là 35.000 đồng/người/phiên trực. Đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương là 65.000 đồng/người/phiên trực; trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y là 25.000 đồng/người/phiên trực (quy định tương ứng trước đây là 25.000 đồng và 10.000 đồng/người/phiên trực).

            Về phụ cấp chống dịch, người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; tham gia chống dịch; trực tiếp tham gia khám, chuẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm được hưởng phụ cấp 150.000 đồng/ngày/người đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; 100.000 đồng/ngày/người đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và 75.000 đồng/ngày/người đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C.

            Đặc biệt, chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật sẽ được tăng thêm rất nhiều so với quy định cũ, cụ thể, tùy loại phẫu thuật (loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III), mức phụ cấp cho người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính sẽ lần lượt là 280.000 đồng, 125.000 đồng, 65.000 đồng, 50.000 đồng/người/phẫu thuật thay cho mức đang áp dụng là 70.000 đồng, 35.000 đồng, 25.000 đồng và 20.000 đồng/người/phẫu thuật...

            Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các hội có tính chất đặc thù

            Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2012

            Đối với những hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc phân cấp bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với các hội có tính chất đặc thù.

            Trường hợp hội có tính chất đặc thù không được Nhà nước giao biên chế nhưng đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày 01/07/2010, thì việc hỗ trợ kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính thực hiện theo văn bản quy định về quản lý tài chính hiện hành của cơ quan có thẩm quyền và điều lệ Hội.

            Hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định, các hội có tính chất đặc thù căn cứ vào chỉ tiêu biên chế, nhiệm vụ được giao, các đề xuất hoạt động và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành lập dự toán kinh phí được ngân sách bảo đảm và kinh phí đề nghị ngân sách hỗ trợ gửi các cơ quan liên quan...

            Chế độ mới đối với phạm nhân

            Ngày 15/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2011/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế (gọi chung là chế độ) đối với phạm nhân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2012 và thay thế Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam.

            Phạm nhân được Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng: 17kg gạo tẻ thường; 0,7kg thịt, 0,8kg cá; 0,5kg đường loại trung bình; 0,1kg muối; 15kg rau xanh; 0,75 lít nước mắm; 0,1kg bột ngọt; chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than.

            Ngày Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, ngày Giỗ tổ Hùng Vương, các ngày lễ 30/04, 01/05, 02/09 phạm nhân được ăn gấp 05 ngày tiêu chuẩn ăn ngày thường; đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, định lượng có thể tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn định lượng nêu trên.

            Phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ và được tăng thêm định lượng về thịt, cá từ 20% đến 30% so với quy định, được cấp phát các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe sơ sinh.

            Cũng theo Nghị định này, phạm nhân được ở theo buồng giam tập thể, trừ trường hợp đặc biệt; chỗ nằm tối thiểu 2m2/phạm nhân, có bệ gạch men, ván sàn hoặc gường; phạm nhân phải ở trong buồng giam theo thời gian quy định và chỉ được ra khỏi buồng giam theo nội quy trại giam hoặc khi có lệnh của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ tưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện...

            Danh mục 20 sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn ngành giao thông

            Bộ Giao thông Vận tải đã ra Thông tư số 63/2011/TT-BGTVT ngày 22/12/2011 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2012.

            Danh mục bao gồm 20 sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc 03 nhóm là: Phương tiện, trang thiết bị chuyên ngành giao thông vận tải; Kết cấu hạ tầng giao thông và Dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó, đáng chú ý là các sản phẩm, hàng hóa như: Xe ôtô và các loại xe có động cơ chở người, vận tải hàng hóa; máy kéo, ôtô rơ-moóc, ôtô chuyên dùng; cần cẩu, cần trục; phương tiện giao thông đường sắt, tàu thủy; dịch vụ hoa tiêu hàng hải...

            Việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục này được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, hoặc đưa và khai thác, sử dụng phải được chứng nhận công bố hoặc thử nghiệm, nghiệm thu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc quy định về quản lý chất lượng tương ứng do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Giảm thời gian cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa nhạc còn 5 ngày

            Ngày 04/01/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2012.

            Theo quy định tại Nghị định này, trong thời hạn 05 ngày làm việc (thay vì 07 ngày như quy định trước đây), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

            Nghị định còn quy định chi tiết về phương thức gửi và số bộ hồ sơ khi tổ chức, cá nhân đề nghị cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; cụ thể, tổ chức, cá nhân thuộc Trung ương đề nghị cấp nhãn kiểm soát gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức, cá nhân thuộc địa phương gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

            Cũng theo Nghị định này, thời gian cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài được giảm xuống còn 10 ngày thay vì 15 ngày như quy định trước đây và thời gian cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện cho những doanh nghiệp này giảm xuống còn 05 ngày làm việc (quy định hiện hành là 15 ngày làm việc).

            Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vũ trường, Chính phủ không yêu cầu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận trình độ của người điều hành hoạt động trực tiếp tại phòng khiêu vũ; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke không cần có ý kiến bằng văn bản của các hộ liền kề và thời gian cấp phép cũng được rút ngắn xuống còn 07 ngày làm việc thay vì 10 ngày như quy định trước đây.

            Phí hoa tiêu hàng hải không phải chịu thuế giá trị gia tăng

            Ngày 30/12/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 198/2011/TT-BTC hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách Nhà nước phí hoa tiêu hàng hải và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2012, áp dụng từ năm tài chính 2012 và thay thế Thông tư số 91/2007/TT-BTC ngày 31/07/2007 hướng dẫn lập, giao kế hoạch và quản lý tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích hoa tiêu hàng hải và các quy định trước đây trái với quy định của Thông tư này.

            Theo quy định tại Thông tư này, việc cung ứng dịch vụ hoa tiêu bao gồm: Cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuỷ đi trên luồng hàng hải để vào, rời cảng biển và khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi; Cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuỷ di chuyển trong cảng; Cung cấp các dịch vụ hoa tiêu khác có liên quan.

            Phí hoa tiêu là khoản thu của ngân sách Nhà nước được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí. Các công ty hoa tiêu trực tiếp thu phí hoa tiêu khi cung cấp dịch vụ hoa tiêu. Công ty hoa tiêu sử dụng biên lai thu phí, lệ phí hàng hải thống nhất theo quy định hiện hành và không phải nộp thuế giá trị gia tăng khi thu phí hoa tiêu.

            Nguồn phí hoa tiêu thu được trong năm được nộp 100% vào ngân sách Trung ương. Hàng tháng, trong vòng 20 ngày đầu của tháng tiếp theo, công ty hoa tiêu có trách nhiệm kê khai với cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính và nộp vào ngân sách Trung ương số tiền phí hoa tiêu đã thực thu được trong tháng.

            8 điều kiện cho vay ra nước ngoài

            Ngày 30/12/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 45/2011/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức tín dụng (TCTD). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2012

            Theo quy định tại Thông tư này, TCTD thực hiện hoạt động cho vay ra nước ngoài phải đáp ứng 08 điều kiện như: Là TCTD được NHNN cho phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế bao gồm hoạt động cho vay trên thị trường quốc tế; tuân thủ quy định hiện hành của NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD; có quy trình xét duyệt cho vay ra nước ngoài theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay ra nước ngoài.

            Bên cạnh đó, TCTD phải thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với khoản cho vay ra nước ngoài; thẩm định năng lực pháp lý, năng lực tài chính của bên vay nước ngoài, khả năng thực hiện thỏa thuận cho vay nhằm đảm bảo thu hồi nợ gốc và lãi theo thỏa thuận cho vay; tự chịu rủi ro về pháp lý và tài chính trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận cho vay...

            Về bên vay nước ngoài, Thông tư quy định TCTD chỉ thực hiện cho vay đối với bên vay nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; các trường hợp khác chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN.

            TCTD thực hiện việc đăng ký khoản cho vay, đăng ký thay đổi khoản cho vay với NHNN trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cho vay hoặc thỏa thuận thay đổi hoặc kể từ ngày tổ chức bảo lãnh ký văn bản bảo lãnh hoặc văn bản đồng ý với nội dung thay đổi thỏa thuận cho vay. Mọi giao dịch liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã được NHNN xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi...

            Cơ chế tổ chức, quản lý của trường đào tạo, bồi dưỡng

            Ngày 30/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2011/NĐ-CP quy định về trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2012.

            Theo đó, các trường này khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục để cấp văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về giáo dục đối với chương trình giáo dục tương ứng.

            Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên khi được thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, công nhân viên công an nhân dân thì tuân thủ các quy định có liên quan của Nghị định này.

            Trường đào tạo, bồi dưỡng chịu sự quản lý trực tiếp về tổ chức và hoạt động của cơ quan cấp trên trực tiếp phù hợp với quy định của pháp luật; chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước và chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của UBND các cấp nơi trường đặt trụ sở...

            Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho công trình cấp nước

            Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2012.

            Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ đã bổ sung quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với công trình cấp nước, gồm: Công trình khai thác, xử lý nước, đường ống và công trình trên mạng lưới đường ống cấp nước; các công trình hỗ trợ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước.

            Dự án đầu tư xây dựng cấp nước được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án cấp nước tại các đô thị; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằngvà một phần chi phí đầu tư xây dựng công trình khi triển khai dự án cấp nước cho những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, dân tộc ít người, miền núi, hải đảo; ưu tiên sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi dự án đầu tư cấp nước; ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư các dự án cấp nước sử dụng vốn vay thương mại.

            Cũng theo Nghị định này, giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch (bao gồm cả chi phí duy trì đầu nối) nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

            Kinh doanh bảo hiểm phải có vốn pháp định tối thiểu 300 tỷ đồng

            Ngày 28/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 123/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2012.

            Theo Nghị định này, mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp chỉ kinh doanh loại hình bảo hiểm sức khỏe là 300 tỷ đồng.

            Mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm sức khỏe hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng; mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 700 tỷ đồng; doanh nghiệp kinh doanh cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe phải có vốn pháp định là 1.100 tỷ đồng.

            Tổ chức Việt Nam thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) bảo hiểm, công ty TNHH môi giới bảo hiểm phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2.000 tỷ đồng trong trường hợp thành lập công ty TNHH một thành viên, và tổng tài sản tối thiểu tương đương 1.500 tỷ đồng trong trường hợp thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục trước năm xin nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập...

            Nhượng quyền thương mại trong nước không phải đăng ký

            Ngày 16/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Trong đó, đáng chú ý là Nghị định có bổ sung quy định 02 trường hợp chỉ phải thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công Thương và không phải đăng ký nhượng quyền thương mại là: Nhượng quyền trong nước; và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài. Nghị định cũng bổ sung quy định về bản sao các tài liệu là bản sao có chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện, công văn hành chính); là bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với hồ sơ nộp trực tiếp) và là bản scan từ bản gốc nếu thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử.

            Cho phép nộp hồ sơ vụ việc cạnh tranh qua phương tiện điện tử

            Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2011.

            Theo Nghị định này, các loại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; báo cáo giải trình của các bên dự định tham gia thỏa thuận cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế; hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh có thể được nộp qua mạng điện tử bằng hình thức bản sao kèm theo chữ ký điện tử hợp pháp của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bên cạnh hình thức nộp trực tiếp như hiện nay.

            Văn bản trả lời thông báo tập trung kinh tế của cơ quan quản lý cạnh tranh phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh theo quy định của pháp luật và các bên tham gia tập trung kinh tế.

            Trong quá trình đánh giá nội dung của báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ do doanh nghiệp tự lập, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức nghiên cứu và phát triển...

            Phí giám định tư pháp lĩnh vực pháp y tâm thần tối đa 11,8 triệu/trường hợp

            Ngày 15/12/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/12/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 182/2011/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Đối tượng nộp phí theo quy định tại Thông tư này là cơ quan tiến hành tố tụng trung cầu giám định là đối tượng nộp phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần đối với các vụ án hình sự; cá nhân, cơ quan và tổ chức đề nghị trưng cầu giám định đối với các vụ việc dân sự, hành chính.

            Mức thu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần được quy định cụ thể là: Giám định nội trú 11,8 triệu đồng/trường hợp; giám định tại phòng khám là 3,35 triệu đồng/trường hợp; giám định tại chỗ là 4,46 triệu đồng/trường hợp; giám định tại hội đồng xét xử là 4,12 triệu đồng/trường hợp và giám định vắng mặt có mức phí là 2,7 triệu đồng/trường hợp.

            Người đề nghị trưng cầu giám định là thương binh; thân nhân liệt sĩ; người bị nhiễm chất độc da cam; người nghèo; người già cô đơn, không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi, khuyết tật không phải nộp chi phí giám định tư pháp.

            Một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015

            Ngày 09/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/09/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng các loài sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây bản địa sẽ nhận được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha thay cho mức 03 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ, tre, luồng sẽ nhận mức hỗ trợ 03 triệu đồng/ha (tăng thêm 01 triệu đồng/ha so với quy định trước đây).

            Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng không thuộc các đối tượng nêu trên sẽ được hỗ trợ cây giống, khuyến lâm, mức hỗ trợ tối đa 2,25 triệu đồng/ha; nếu trồng cây phân tán, mức hỗ trợ là 2,25 triệu đồng/1.000 cây phân tán (tương đương 01 ha rừng trồng) thay cho mức hỗ trợ tối đa trước đây là 1,5 triệu đồng.

            Ngoài ra, chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng cũng được hỗ trợ 01 lần là 150.000 đồng/ha; chi phí thẩm định duyệt dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất được hỗ trợ 45.000 đồng/ha; chi phí giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/ha đối với hộ gia đình, cá nhân và 150.000 đồng/ha cho tổ chức và cộng đồng.

            Vườn giống được trồng mới sẽ nhận hỗ trợ không quá 52,5 triệu đồng/ha; rừng giống được trồng mới nhận hỗ trợ không quá 37,5 triệu đồng/ha; rừng giống được chuyển hóa sẽ nhận hỗ hợ tối đa 15 triệu đồng/ha; chủ rừng giống, vườn giống còn được hỗ trợ 150.000 đồng/ha/năm để chi phí quản lý bảo vệ rừng giống, vườn giống trong thời gian tối đa 05 năm...

            Điều chỉnh cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt

            Ngày 08/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 113/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 2; khoản 4 Điều 3; Điều 4; Điều 5 và khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/03/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Cụ thể, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng - thuế bảo vệ môi trường)/(1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt). Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng. 

            Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Riêng mặt hàng ôtô, giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán ôtô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định. 

            Đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế không loại trừ giá trị vỏ bao bì, vỏ chai; đối với hàng hóa gia công thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán hàng hóa của cơ sở giao gia công bán ra hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại, hoặc tương đương tại thời điểm bán.

            Hàng hóa sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hóa, công nghệ sản xuất thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu hàng hóa, công nghệ sản xuất...

            4 tiêu chuẩn chung của công chức cấp xã

            Ngày 05/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công chức cấp xã). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012; bãi bỏ các nội dung quy định đối với công chức cấp xã tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003.

            Nghị định quy định 04 tiêu chuẩn đối với công chức Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội.

            Cụ thể, 04 tiêu chuẩn gồm: Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm và có năng lực tổ chức vận động nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có trình độ văn hóa và chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.

            Đối với công chức Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã, ngoài các tiêu chuẩn nêu trên còn phải có khả năng phối hợp với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thực hiện một số nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

            Thời gian chứng nhận, hợp pháp hóa lãnh sự là 01 ngày

            Ngày 05/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Theo đó, thời hạn giải quyết hồ sơ chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc.

            Theo Nghị định này, chứng nhận lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để được công nhận và sử dụng ở nước ngoài. Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

            Việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự chỉ là chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu. Ngôn ngữ sử dụng để chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là tiếng Việt và tiếng chính thức của nước nơi giấy tờ đó được sử dụng hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp...

            Thêm 8 loại bệnh thủy sản phải công bố dịch

            Ngày 09/12/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 83/2011/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục bổ sung thêm 08 loại bệnh thủy sản phải công bố dịch. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/02/2011.

            Cụ thể, trong 08 loại bệnh phải công bố dịch, đáng chú ý là các bệnh trên tôm sú và tôm chân trắng như: Bệnh đốm trắng; hội chứng Taura; bệnh đấu vàng; bệnh hoại tử cơ; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô.

            Ngoài ra còn có bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép, cá chép koi, cá vàng, cá trắm cỏ; bệnh KHV xuất hiện trên cá chép, cá chép koi và bệnh hoại tử thần kinh trên các loại cá song, cá vược.

            Sửa đổi quy định dịch vụ chứng thực kỹ thuật số

            Ngày 23/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012.

            Nghị định đã bổ sung quy định chữ ký số công cộng là chữ ký số do thuê bao sử dụng chứng thư số được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao tạo ra. Chữ ký số chuyên dùng là chữ ký số do thuê bao sử dụng chứng thư số được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cấp cho thuê bao tạo ra. Chính phủ không yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải có người đại diện theo pháp luật hiểu biết pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số như quy định trước đây; mà chỉ cần có đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên quản lý an ninh và nhân viên dịch vụ khách hàng đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và quy mô triển khai dịch vụ; chưa từng bị kết án.

            Hồ sơ xin cấp phép chứng thực chữ ký số công cộng cũng được quy định cụ thể phải được lập thành 06 bộ (02 bộ gốc và 04 bộ sao)…  

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan