|
Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Ảnh minh họa |
Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; Từ 15/7, hành khách qua sông phải mặc áo phao; Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước tại xã, phường, thị trấn; Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng từ mức 876.000 đồng lên 1,11 triệu đồng; Giảng viên ngành nghệ thuật làm việc không quá 440 giờ/năm; Cấp thẻ mã`số thuế cá nhân từ 01/7/2012; Bổ sung 15 biểu mẫu tờ khai hộ tịch; Ban chỉ huy quân sự xã được cấp đăng ký phương tiện trước khi lưu hành; Sửa quy định mua hàng dự trữ`quốc gia; Tăng phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại lên 1,2 triệu đồng; Tăng 50.000 đồng lệ phí cấp mới biển xe máy chuyên dùng; Bổ sung danh mục 17 nghề đào tạo trung cấp; Hạn chế chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp...là những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2012.
Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Kể từ ngày 01/07/2012, hàng loạt các quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức được áp dụng như: cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; cấm giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường... là các nội dung vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/05/2012. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2012 và thay thế Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/07/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải thực hiện cam kết với UBND xã nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm...
Từ 15/7, hành khách qua sông phải mặc áo phao
Ngày 10/05/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2012.
Theo đó, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Trước khi cho phương tiện rời bến, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện 01 áo phao hoặc 01 dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng; hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.
Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định; từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn và chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.
Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước tại xã, phường, thị trấn.
Ngày 31/05/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/2012/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước tại xã, phường, thị trấn. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2012.
Theo Quyết định này, diện tích làm việc tối đa cho 01 chỗ làm việc của các cán bộ, công chức cấp xã tăng khoảng 02 - 03m2/người. Cụ thể, tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 01 chỗ làm việc của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND là 15m2/người (theo quy định trước đây là 10 -12m2/người); của Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 12m2/người (tăng 02m2 so với trước đây); của Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và công chức làm tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán… là 10m2/người. Trường hợp 01 cán bộ, công chức giữ nhiều chức danh có quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng diện tích làm việc cao nhất.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tiêu chuẩn, định mức nêu trên, căn cứ tình hình trụ sở làm việc thực tế của cơ quan cấp xã và khả năng ngân sách địa phương để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiến hành bố trí, sắp xếp lại trụ sở làm việc và lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước cấp xã theo quy định của pháp luật.
Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng từ mức 876.000 đồng lên 1,11 triệu đồng
Ngày 28/05/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2012/NĐ-CP quy định nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng thêm 234.000 đồng (từ mức 876.000 đồng lên 1,11 triệu đồng). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2012 và thay thế Nghị định số 52/2011/NĐ-CP ngày 30/06/2011 của Chính phủ; các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo quy định nêu trên được thực hiện kể từ ngày 01/05/2012.
Căn cứ vào mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp này, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với từng đối tượng người có công khác nhau. Theo đó, trợ cấp cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 diện thoát ly là 1,24 triệu đồng, diện không thoát ly là 2,106 triệu đồng và tiền tuất đối với thân nhân của họ là 1,11 triệu đồng.
Thân nhân của 01 liệt sỹ cũng được trợ cấp 1,11 triệu đồng; thân nhân của 02 liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân liệt sỹ là 1,983 triệu đồng.
Mức trợ cấp đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Cụ thể, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 21% được nhận trợ cấp 748.000 đồng; 22% là 784.000 đồng... mất sức lao động 100% sẽ được trợ cấp 3,56 triệu đồng...
Giảng viên ngành nghệ thuật làm việc không quá 440 giờ/năm
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ra Thông tư số 18/2012/TT-BGDĐT ngày 31/05/2012 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/07/2012, bãi bỏ các quy định trước đây về chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật trái với các quy định tại Thông tư này.
Theo Thông tư này, giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật có nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp, thực tế chuyên môn, xây dựng đề cương và làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia xây dựng các chương trình thực nghiệm, thực hành chuyên môn, cơ sở thí nghiệm và thực hành. Giảng viên cũng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tác, thiết kế, biểu diễn, dàn dựng, chuyển thể tác phẩm cùng ngành đào tạo của giảng viên.
Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên cũng được quy định cụ thể tại Thông tư này. Trong đó, khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giáo sư và giảng viên cao cấp là 360 - 440 giờ; đối với phó giáo sư và giảng viên chính là 320 - 400 giờ và giảng viên là 280 - 360 giờ.
Định mức giờ giảng dạy cũng có thể được quy đổi theo nguyên tắc: 01 tiết hướng dẫn bài tập, thực hành trên lớp cho sinh viên được tính bằng 01 giờ chuẩn; trường hợp hướng dẫn thực tập, thực tế chuyên môn thì 01 ngày làm việc được tính không quá 03 giờ chuẩn.
Cấp thẻ mã`số thuế cá nhân từ 01/7/2012
Theo Thông tư 80/2012/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh; cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN; tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập; ban quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân được hoàn thuế hoặc được tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài được cấp một mã số thuế (MST) duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động (trừ MST nhà thầu).
Người nộp thuế là cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thực hiện đầy đủ thủ tục và hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế cấp “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” hoặc “Thẻ MST cá nhân” không quá 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đủ hồ sơ đăng ký thuế. Quá thời hạn mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo MST, người nộp thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan thuế. Cá nhân cùng lúc nộp thuế TNCN qua nhiều tổ chức chi trả, chỉ đăng ký thuế tại một tổ chức chi trả để được cấp MST; cá nhân chỉ cần thông báo MST của mình với các tổ chức chi trả khác để sử dụng vào việc khai thuế, nộp thuế.
Cũng theo Thông tư này, trường hợp cá nhân vừa nộp thuế TNCN, vừa có hoạt động kinh doanh thì sử dụng MST cá nhân để khai thuế, nộp thuế cho các hoạt động kinh doanh khác; cá nhân hoạt động kinh doanh đã được cấp MST thì sử dụng MST này để khai thuế, nộp thuế TNCN...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2012 và thay thế Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/07/2007 của Bộ Tài chính; bãi bỏ mẫu số 01-ĐK-TNCN đăng ký thuế dùng cho cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân ban hành kèm theo Thông tư số 175/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 của Bộ Tài chính.
Bổ sung 15 biểu mẫu tờ khai hộ tịch
Ngày 23/05/2012, Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 05/2012/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/03/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng số, biểu mẫu hộ tịch. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/07/2012.
15 biểu mẫu tờ khai sử sử dụng tại UBND cấp xã, huyện, Sở Tư pháp và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ sung bao gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh; tờ khai đăng ký việc giám hộ; tờ khai đăng ký chấm dứt việc giám hộ; tờ khai đăng ký nhận con, cha, mẹ; tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính trong Giấy khai sinh; tờ khai đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn…
15 biểu mẫu mới này và 61 biểu mẫu hộ tịch đen trắng, không có hoa văn được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Cơ quan đăng ký hộ tịch và người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể truy cập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để in và sử dụng miễn phí các biểu mẫu hướng dẫn này. Đối với những địa phương chưa có điều kiện sử dụng Internet, Sở Tư pháp chủ động tổ chức in, phát hành miễn phí các biểu mẫu hộ tịch này, đáp ứng đầy đủ yêu cầu sử dụng biểu mẫu hộ tịch trong địa phương.
Ban chỉ huy quân sự xã được cấp đăng ký phương tiện trước khi lưu hành
Chính phủ vừa ra Nghị định số 44/2012/NĐ-CP ngày 18/05/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/1999/NĐ-CP ngày 29/11/1999 quy định danh mục và chế độ, thủ tục đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/07/2012.
Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi lần này là việc thực hiện đăng ký phương tiện trước khi lưu hành được thực hiện trực tiếp tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và cấp huyện thay vì chỉ đăng ký tại cấp huyện như quy định trước đây.
Cụ thể, các phương tiện vận tải cơ giới và phương tiện chuyên dùng đường bộ, đường thủy; các phương tiện xếp dỡ hàng hóa và các loại xe máy xây dựng cầu đường, xây dựng công trình mà chủ phương tiện là cá nhân thì tiến hành đăng ký trực tiếp tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; chủ phương tiện kỹ thuật là cơ quan, tổ chức thì đăng ký trực tiếp và báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
Thời gian đăng ký phương tiện lần đầu cũng được quy định thống nhất vào tháng 04 hàng năm, theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (quy định trước đây là 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận sở hữu phương tiện)...
Sửa quy định mua hàng dự trữ`quốc gia
Ngày 17/05/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia. Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012.
Căn cứ vào giá tối đa, tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định mức giá mua, bán cụ thể theo quy định hiện hành, sát với giá thị trường tại từng thời điểm và từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính.
Nếu như trước đây chưa có quy định về giá mua, giá bán những mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý về giá của Sở Tài chính địa phương thì Nghị định mới quy định thêm, trong trường hợp này, Thủ tưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chỉ đạo lấy ý kiến tham khảo của Sở Tài chính trên địa bàn có mua, bán hàng dự trữ quốc gia trước khi quyết định.
Hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ đúng địa điểm quy định, bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời; phải có đủ hồ sơ ghi rõ số lượng, chất lượng, giá trị và các diễn biến trong quá trình nhập, xuất, bảo quản. Không được thay đổi địa điểm để hàng và các yêu cầu kỹ thuật bảo quản khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...
Tăng phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại lên 1,2 triệu đồng
Ngày 16/05/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 77/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2012 và thay thế Thông tư số 72/TT-LB ngày 08/11/1996 của Liên bộ Tài chính - Thương mại.
Cụ thể, tại khu vực thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại là 1,2 triệu đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định (thay vì mức 300.000 đồng như quy định trước đây); mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá là 200.000 đồng/giấy/lần cấp (tăng 150.000 đồng so với quy định cũ). Tại các khu vực khác, mức thu các loại phí trên bằng 50% mức thu tương ứng tại khu vực thành phố.
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, lệ phí cấp Giấp phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá thuộc ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp uỷ quyền thu thì tổ chức được uỷ quyền thu lệ phí được để lại 50% trong tổng số tiền lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí, phần còn lại 50% phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Tăng 50.000 đồng lệ phí cấp mới biển xe máy chuyên dùng
Theo quy định tại Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/05/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 76/2004/TT-BTC ngày 29/07/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ, một số loại lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng) tăng từ 20.000 - 50.000 đồng.
Cụ thể, lệ phí cấp mới và cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe máy chuyên dùng tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng/lần/phương tiện; lệ phí mỗi lần cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số hoặc đóng lại số khung,số máy tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/phương tiện; lệ phí cấp giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời xe máy chuyên dùng là 70.000 đồng/lần/phương tiện, tăng 20.000 đồng so với quy định cũ.
Cũng theo Thông tư này, lệ phí cấp mới và cấp lại giấy phép lái xe công nghệ mới là 135.000 đồng/lần.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012
Bổ sung danh mục 17 nghề đào tạo trung cấp
Ngày 15/05/2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BLĐTBXH bổ sung danh mục nghề vào Bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề ban hành kèm theo Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.Danh mục bao gồm 17 nghề đào tạo thuộc trình độ trung cấp nghề và 22 nghề đào tạo thuộc trình độ cao đẳng nghề. Cụ thể như: An ninh mạng, kỹ thuật thi công lắp dựng kính xây dựng; trùng tu di tích lịch sử; sửa chữa cơ khí động lực; chế biến lâm sản; lâm nghiệp đô thị; nghiệp vụ bán hàng…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012.
Hạn chế chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
Hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước là các chính sách vừa được Chính phủ khẳng định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Cũng theo Nghị định này, kể từ ngày 01/07/2012, việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng 03 điều kiện: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng; Có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định.Khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định về các chính sách hỗ trợ đối với người trồng lúa, hỗ trợ cây giống và hỗ trợ người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012.
|