Thư viện pháp luật chung

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9 năm 2013
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9 năm 2013
 
Ngày cập nhật 10/09/2013

Công trình xây dựng dùng vốn ngân sách phải trình thẩm tra thiết kế; Thiết lập địa điểm thu hồi thải bỏ; Thẩm định viên về giá phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm; Miễn học phí cho con sĩ quan, chiến sĩ công an; Lập dự toán đầu tư công trình xây dựng nông thôn mới; Phạt đến 20 triệu đối với vi phạm về mã số mã vạch;... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 9 năm 2013.

 

Xây dựng

CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG DÙNG VỐN NGÂN SÁCH PHẢI TRÌNH THẨM TRA THIẾT KẾ

Đây là quy định của Thông tư 13/2013/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/08/2013 về thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.

Theo đó, các công trình được quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP có sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung, công trình đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao… thì chủ đầu tư phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm tra thiết kế với các nội dung như: Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế; sự phù hợp của thiết kế với các quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình; mức độ đảm bảo an toàn chịu lực của các kết cấu chịu lực của công trình; sự phù hợp của thiết kế để đảm bảo tiết kiệm chi phí trong xây dựng công trình…

Đối với công trình không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư có thể tiến hành trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm tra thiết kế theo quy định như trên hoặc chỉ định tổ chức tư vấn, cá nhân đủ điều kiện thẩm tra thiết kế với các nội dung: Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế; sự phù hợp của thiết kế với các quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình; mức độ đảm bảo an toàn chịu lực của các kết cấu chịu lực của công trình và các yêu cầu về an toàn khác…

Thông tư này cũng chỉ rõ, thời gian thẩm tra đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I không quá 40 ngày làm việc; đối với công trình thiết kế một bước và nhà ở riêng lẻ không quá 20 ngày làm việc và đối với các công trình còn lại không quá 30 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/09/2013.

Tài nguyên-Môi trường:

THIẾT LẬP ĐỊA ĐIỂM THU HỒI SẢN PHẨM THẢI BỎ

Ngày 09/08/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo Quyết định này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý; đồng thời phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và công khai thông tin liên quan trên Cổng Thông tin điện tử của doanh nghiệp và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ cũng có các quyền lợi như: Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định; khi thiết lập điểm thu hồi để tiếp nhận sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại được miễn đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; doanh nghiệp trực tiếp thu hồi và vận chuyển sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại được miễn đăng ký hành nghề quản lý chất thải nếu có đăng ký ngành nghề kinh doanh thuộc Danh mục sản phẩm thải bỏ, có trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại các điểm thu hồi...

Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập điểm thu hồi tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2013.

Doanh nhiệp

THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ PHẢI CÓ TỐI THIỂU 3 NĂM KINH NGHIỆM

Đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc được Chính phủ đề ra tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá.

Theo đó, thẩm định viên về giá phải đáp ứng đủ 06 tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức, trung thực, khách quan; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành liên quan; có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học; có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá hoặc đã tốt nghiệp đại học các ngành liên quan và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá; có Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.

Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá, Chính phủ cũng quy định cụ thể 07 trường hợp không được thực hiện thẩm định giá, cụ thể: Mua, bán tài sản thuộc danh mục bí mật Nhà nước; doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá có các mối quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức hoặc có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng...

Cũng theo Nghị định này, tỷ lệ vốn góp của các thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức trong công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thẩm định giá cũng bị giới hạn ở mức tối đa 35% vốn điều lệ của công ty. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty. Hơn nữa, người đại diện của các tổ chức thành viên phải là thẩm định viên về giá, đồng thời không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định đó với tư cách cá nhân hoặc đại diện cho tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp thẩm định giá khác.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2013, bãi bỏ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 và các quy định trái với Nghị định này.

Chính sách kinh tế-xã hội:

MIỄN HỌC PHÍ CHO CON SĨ QUAN, CHIẾN SĨ CÔNG AN

Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định 87/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30/07/2013 quy định về chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.

Cụ thể, từ ngày 14/09/2013, con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mần non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ, miễn giảm học phí.

Nghị định này cũng chỉ rõ, ngân sách Nhà nước trợ cấp 2.000.000 đồng/suất/lần trong trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở; trợ cấp 500.000 đồng/suất cho bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên; trợ cấp 1.000.000 đồng/suất nếu bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng, người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị từ trần, mất tích.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/09/2013 và bãi bỏ Nghị định 54/2008/NĐ-CP ngày 24/04/2008.

LẬP DỰ TOÁN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ngày 07/08/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; trong đó, nổi bật với các quy định hướng dẫn về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình quy mô vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng, có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, kỹ thuật đơn giản và áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, công trình nằm trên địa bàn thôn, bản, ấp…

Thông tư này quy định sau khi thông báo, phổ biến đến thôn và cộng đồng dân cư về cơ chế đầu tư đặc thù trên địa bàn, Ban Quản lý xã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với thôn và Ban Phát triển thôn tiến hành lập dự toán đầu tư công trình với các nội dung như: Tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, chủ đầu tư, quy mô công trình; giá trị dự toán; bản vẽ thi công công trình (nếu có)…. Sau khi lập dự toán, thôn và Ban Phát triển thôn tổ chức họp dân, lấy ý kiến của người dân trong thôn, thống nhất về các nội dung của dự toán và các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân.

Để thẩm định dự toán đầu tư công trình, UBND xã thành lập Tổ thẩm định với thành phần gồm lãnh đạo UBND xã, đại diện Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã, tài chính - kế toán xã, chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn do cộng đồng bình chọn. Thời gian thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình thẩm định hợp lệ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

Hành chính

PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỐI VỚI VI PHẠM VỀ MÃ SỐ MÃ VẠCH

Ngày 19/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng và đối với tổ chức là 300 triệu đồng (ngoại trừ một số trường hợp, mức tiền phạt sẽ căn cứ vào số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm).

Trong đó, về các vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch hàng hóa, áp dụng mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mã vạch có đầu mã quốc gia Việt Nam chưa được cấp hoặc sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cho phép...

Về vi phạm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, áp dụng mức phạt từ 02 - 80 triệu đồng đối với hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa có giá trị từ 05 - 100 triệu đồng; phạt tiền từ 01 - 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; từ 02 - 03 lần giá trị tổng sản phẩm, hàng hóa đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiểu chuẩn...

Ngoài hình thức phạt tiền, các đối tượng vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận hợp chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy...; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc tái chế, tái xuất, tiêu hủy hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013 và thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/06/2009.

BAN HÀNH THÔNG CÁO BÁO CHÍ VBQPPL CỦA CHÍNH PHỦ CHẬM NHẤT NGÀY 10 HÀNG THÁNG

Ngày 07/08/2013, Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 12/2013/TT-BTP quy định quy trình ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thông tư này quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trừ VBQPPL có nội dung thuộc bí mật Nhà nước) được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi thông tin về văn bản đến Bộ Tư pháp bằng hình thức công văn và thư điện tử. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, biên tập nội dung, xây dựng và ban hành thông cáo báo chí chậm nhất vào ngày 10 hàng tháng đối với các VBQPPL được ban hành vào tháng trước. Riêng các VBQPPL có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, Bộ Tư pháp phải ban hành thông cáo báo chí trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp.

Đồng thời, Bộ Tư pháp phải đăng tải thông cáo báo chí trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngay sau khi ký ban hành. Văn phòng Chính phủ đăng tải thông cáo báo chí trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ ngay sau khi Bộ Tư pháp gửi đến.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/09/2013.

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Ngày 08/08/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo Nghị định này, các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền có trách nhiệm giải trình đối với những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi các tổ chức, cá nhân đó yêu cầu; ngoại trừ các nội dung, thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước; liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước; thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh và các nội dung đã được giải trình.

Các yêu cầu giải trình sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của cơ quan Nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định cũng chỉ rõ, người giải trình là người đứng đầu cơ quan Nhà nước hoặc được người đứng đầu ủy quyền thực hiện việc giải trình có trách nhiệm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về nhiệm vụ được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp, sau ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản thực hiện việc giải trình. Đối với những yêu cầu giải trình khác, sau khi tiến hành nghiên cứu nội dung yêu cầu, làm việc trực tiếp với người yêu cầu để làm rõ những nội dung liên quan khi cần thiết, người giải trình phải ban hành và gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu.

Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình; trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải trình nhưng không quá 15 ngày.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/09/2013.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

XÁC NHẬN HẠN MỨC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU QUỐC TẾ PHẢI ĐÁNH GIÁ HỆ SỐ TÍN NHIỆM

Ngày 16/07/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Tại Thông tư này, NHNN hướng dẫn cụ thể quy trình xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế, trong đó, quy định hồ sơ đề nghị xác nhận hạn mức phát hành của doanh nghiệp không phải ngân hàng thương mại Nhà nước phải đầy đủ các tài liệu như: Bản sao Báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp trong 03 năm liên tiếp kế trước năm phát hành; bản sao đánh giá hệ số tín nhiệm và các báo cáo liên quan đến việc đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn và các hạn chế khác theo quy định...

Riêng đối với doanh nghiệp là ngân hàng thương mại Nhà nước, hồ sơ đề nghị xác nhận hạn mức phát hành chỉ bao gồm: Đơn đề nghị xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế; bản sao phương án phát hành đã được phê duyệt và bản sao văn bản phê duyệt phương án này.

Cũng tại Thông tư này, NHNN hướng dẫn chi tiết về quy trình thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại Nhà nước; và quy trình xác nhận đăng ký, thay đổi khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp. Theo đó, sau khi lựa chọn các tổ chức bảo lãnh phát hành, các đại lý và tư vấn pháp lý, doanh nghiệp phải gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khoản phát hành đến Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) để được xem xét, xác nhận; trường hợp phát sinh thay đổi so với các nội dung tại văn bản xác nhận, trước khi thực hiện nội dung thay đổi, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký thay đổi với NHNN trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận thay đổi hoặc ngày thông báo việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2013 và thay thế Thông tư số 19/2011/TT-NHNN ngày 24/08/2011. 

BỔ SUNG HỆ THỐNG MỤC LỤC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 23/07/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2013/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung Hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước.

Theo đó, mục 1900 “Thuế nhập khẩu” của Hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước được bổ sung thêm tiểu mục 1903 - Thuế nhập khẩu bổ sung (thuế tự vệ) dùng để hạch toán phần thuế nhập khẩu áp dụng chế độ tự vệ theo quy định của pháp luật; mục 2000 “Thuế bảo vệ môi trường” được bổ sung 04 tiểu mục, gồm: Tiểu mục 2041 - Thu từ xăng nhập khẩu để bán trong nước; tiểu mục 2042 - Thu từ nhiên liệu bay nhập khẩu để bán trong nước; tiểu mục 2043 - Thu từ dầu Diezel nhập khẩu để bán trong nước và tiểu mục 2044 - Thu từ dầu hoả nhập khẩu để bán trong nước.

Đồng thời, mục 4250 “Thu tiền phạt” cũng được bổ sung thêm tiểu mục 4271 - Tiền phạt do phạm tội theo quyết định của tòa án; mục 4300 “Thu tịch thu” được bổ sung tiểu mục 4311 - Tịch thu do phạm tội hoặc do liên quan tội phạm theo quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án.

Cũng theo Thông tư này, mục 4900 “Các khoản thu khác” được bổ sung thêm tiểu mục 4911: Tiền chậm nộp do ngành thuế quản lý và tiểu mục 4912: Tiền chậm nộp do ngành hải quan quản lý; cả 02 tiểu mục này được sử dụng để hạch toán tiền chậm nộp thuế so với thời hạn nộp theo quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn ghi trong quyết định xử lý của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2013.

GIÁM SÁT CHẶT KINH PHÍ HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG

Đây là yêu cầu của Bộ Tài chính tại Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/07/2013 về việc hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Theo Thông tư này, nguồn vốn hỗ trợ về nhà ở (40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại mới và 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà hiện có) được lấy chủ yếu từ ngân sách Trung ương với các mức cụ thể như sau: Hỗ trợ 100% đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương; hỗ trợ 95% đối với địa phương nhận bổ sung cân đối từ 50 - 70%; hỗ trợ 90% đối với địa phương nhận bổ sung cân đối dưới 50%; và 80% đối với các địa phương còn lại.

Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, sau khi UBND cấp huyện phân bổ kinh phí hỗ trợ và cấp kinh phí ủy quyền cho UBND cấp xã, UBND cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để tạm ứng lần đầu hoặc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình, với mức tạm ứng không vượt quá 60% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Ngoài ra, UBND cấp xã cũng có trách nhiệm giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở sau khi xây dựng, sửa chữa...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

ĐIỀU KIỆN GÓP VỐN VÀO TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Ngày 01/08/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 48/2013/QĐ-TTg về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt.

Theo Quyết định này, trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt không thực hiện yêu cầu về việc tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, hợp nhất khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định số lỗ lũy kế đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD đó, đồng thời việc chấm dứt hoạt động của TCTD này có thể gây mất an toàn hệ thống TCTD, thì Thống đốc NHNN có quyền chỉ định TCTD khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt.

TCTD được chỉ định phải đáp ứng được các điều kiện như: Có tình trạng tài chính lành mạnh và có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn, mua cố phần theo yêu cầu của NHNN; đáp ứng đủ các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; có khả năng quản trị, điều hành và thực hiện cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn, mua cổ phần…

Quyết định này cũng quy định về 02 hình thức góp vốn, mua cổ phần bắt buộc, trong đó, TCTD được chỉ định thực hiện góp vốn, mua cổ phần bắt buộc bằng tiền hoặc thông qua việc chuyển đổi một phần (hoặc toàn bộ) dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay khác tại TCTD được kiểm soát đặc biệt; NHNN thực hiện góp vốn, mua cổ phần bắt buộc bằng tiền hoặc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ giá trị dư nợ khoản cho vay đặc biệt, dư nợ cho vay tái cấp vốn (nếu có).

Cũng theo Quyết định này, TCTD được chỉ định sẽ được Thống đốc NHNN xem xét hỗ trợ thông qua các biện pháp như: Cho vay tái cấp vốn; cho vay đặc biệt; cho phép tạm thời áp dụng một số chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động ngân hàng ở mức không tương đương các TCTD bình thường trong thời gian nhất định…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2013 và không áp dụng cho tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

HƯỚNG DẪN CHI TRẢ KINH PHÍ ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG CƠ SỞ

Ngày 02/08/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 104/2013/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP ngày 17/06/2013 và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 73/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc chủ động sử dụng các nguồn để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, trợ cấp tăng thêm đối với cán bộ xã nghỉ việc và phụ cấp tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, cán bộ thú y cấp xã. Bên cạnh đó, trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tiến hành thẩm định và thông báo bổ sung kinh phí, đảm bảo đủ nguồn để thực hiện.

Thông tư cũng chỉ rõ, trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện ứng trước kinh phí cho ngân sách cấp dưới chưa đảm bảo đủ nguồn thực hiện; các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động sử dụng dự toán ngân sách năm 2013 để kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… Số kinh phí đã ứng trước và số đã sử dụng sẽ được hoàn lại nguồn bằng số bổ sung kinh phí để thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của cấp có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2013.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

BỔ SUNG 3 ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN HỌC PHÍ

Ngày 15/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.

Theo đó, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên, Chính phủ quyết định bổ sung thêm 03 đối tượng được miễn học phí, bao gồm: Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện cận nghèo; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề hoặc học trung cấp chuyên nghiệp sẽ được giảm 50% học phí. Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo tuồng, cải lương, múa xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được giảm 70% học phí.

Ngoài ra, Nghị định này cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập phải công khai mức học phí cho từng năm học và dự kiến cả khóa học để người học biết trước khi tổ chức tuyển sinh. Bên cạnh đó, các cơ sở mầm non, trường phổ thông công lập chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo nhưng phải được UBND cấp tỉnh cho phép và phải thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; học phí theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013.

TRÍCH TỐI THIỂU 8% NGUỒN THU HỌC PHÍ CHO QUỸ HỌC BỔNG

Đây là nội dung của Thông tư 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/08/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Quyết định 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Thông tư này chỉ rõ, quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập. Đối với các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí.

Trước đó, tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 44/2007/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường công lập được trích tối thiểu 15% từ nguồn thu học phí hệ chính quy và các trường ngoài công lập trích 5% từ nguồn thu học phí hệ chính quy cho quỹ học bổng; các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì trích tối thiểu 15% từ nguồn học phí do Nhà nước cấp bù.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

Cơ cấu tổ chức:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Ngày 01/08/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo đó, Thông tấn xã Việt Nam đóng vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình truyền thông, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng có nhu cầu ở trong và ngoài nước.

Cụ thể, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện thu thập, biên soạn, xuất bản và phổ biến, phát hành các sản phẩm thông tin để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng có nhu cầu; sản xuất và phát hành kênh truyền hình thông tấn phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia; thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước giao, thu thập và phổ biến thông tin về Việt Nam bằng các ngôn ngữ khác nhau; thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số…

Đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam là Tổng giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về toàn bộ hoạt động của Thông tấn xã. Cơ cấu của Thông tấn xã Việt Nam gồm có 05 đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc Thông tấn xã;  21 đơn vị thông tin và 05 đơn vị phục vụ thông tin. Mỗi đơn vị trực thuộc gồm người đứng đầu và không quá 03 cấp phó được bổ nhiệm bởi Tổng Giám đốc Thông tấn xã…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013 và thay thế Nghị định 24/2008/NĐ-CP ngày 03/03/2008.

Công nghiệp:

SIẾT CHẶT QUY CHUẨN SẢN XUẤT BÌNH GAS

Ngày 31/07/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) bằng thép có dung tích chứa từ 0,5 - 150 lít tại Thông tư 18/2013/TT-BCT.

Theo đó, bên cạnh những quy định về vật liệu, thiết kế và chế tạo như: Chi tiết hàn vào chai phải được chế tạo bằng vật liệu tương thích; các đáy chai phải chế tạo theo dạng hình elip hoặc chỏm cầu và phải làm bằng vật liệu liền tấm theo đúng kỹ thuật…, quy trình chế tạo bình chứa LPG còn phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về các thử nghiệm trong chế tạo để được nghiệm thu như: Thử cơ tính (thử kéo, thử uốn, thử kéo mối hàn), kiểm tra bề mặt mối hàn, kiểm tra thô đại và chụp ảnh bức xạ, thử nổ thủy lực, thử kín, thử mỏi…

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về phương thức kiểm tra lô, loạt sản phẩm và việc ghi nhãn chai chứa LPG, trong đó, trên tay xách chai chứa LPG phải được đóng rõ ràng các thông tin như: Tên đơn vị sở hữu; tiêu chuẩn chế tạo; tên nhà sản xuất; tháng, năm chế tạo; khối lượng chai rỗng; áp suất làm việc…

Trong quá trình nạp LPG vào chai, phải tiến hành thực hiện kiểm định khi phát hiện chai quá thời hạn kiểm định hoặc không thể xác định được thời hạn kiểm định; không được nạp LPG vào chai không có thông tin về khối lượng vỏ; có khuyết tật hoặc hư hỏng ở tay cầm, vành chân đai hoặc bị ăn mòn nhìn thấy được…

Thông tư này có hiệu lực thi hành ngày 15/09/2013; không áp dụng với các chai chứa LPG sử dụng cho bếp gas xách tay.

Tư pháp-Hộ tịch:

THÀNH LẬP TRUNG TÂM PHÁP Y TÂM THẦN KHU VỰC TRƯỚC 2015

Ngày 29/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2013/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

Nội dung Nghị định này quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức giám định tư pháp công lập, bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế; Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; và Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Luật Giám định tư pháp có hiệu lực (tức trước ngày 01/01/2015), phải thành lập Trung tâm pháp ytâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế, có chức năng thực hiện giám định pháp y tầm thần; nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần; báo cáo Bộ Y tế và Viện Pháp y tâm thần Trung ương theo định kỳ hàng năm…

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết về thành lập, đăng ký hoạt động của văn phòng giám định tư pháp; theo đó, văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan, theo hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh (ngoài các thành viên hợp danh phải là giám định viên, văn phòng có thể có thành viên góp vốn). Các văn phòng giám định có quyền thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; được thu phí giám định và được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

Thuế-Phí-Lệ phí:

XÓA NỢ TIỀN THUẾ CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Chính phủ quy định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp: Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế; các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu đủ. Riêng việc xóa nợ đối với tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vẫn được thực hiện theo pháp luật đất đai.

Ngoài ra, Chính phủ cũng xóa nợ các khoản tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01/07/2007 cho các đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ và đã ngừng kinh doanh; Doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã thực hiện cổ phần hóa và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới...

Cũng theo Nghị định này, Chính phủ quy định 04 trường hợp được gia hạn nộp thuế; trong đó, thời gian gia hạn tối đa không quá 02 năm đối với trường hợp bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; không quá 01 năm đối với trường hợp phải ngưng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán ngân sách Nhà nước hoặc không có khả năng nộp thuế đúng hạn (do nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày)...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013 và thay thế các Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 và số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

TỪ 01/07/2013, TĂNG THÊM 9,6% MỨC LƯƠNG HƯU

Đây là quy định tại Nghị định 73/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/07/2013, về việc điều chỉnh lương lưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Cụ thể, từ ngày 01/07/2013, tăng thêm 9,6% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các nhóm đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật, công nhân cao su và người hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương đang hưởng trợ cấp hàng tháng; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013.

Đất đai-Nhà ở:

ĐỊNH MỨC LỢI NHUẬN TỐI ĐA 15% ĐỐI VỚI NHÀ Ở THƯƠNG MẠI LÀM NHÀ Ở TÁI ĐỊNH CƯ

Đây là quy định của Chính phủ tại Nghị định 84/2013/NĐ-CP ngày 25/07/2013 về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư.

Theo Nghị đinh này, Chính phủ quy định 03 hình thức phát triển nhà ở tái định cư là: Đầu tư xây dựng trực tiếp; đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư.

Riêng đối với hình thức mua nhà ở thương mại để bố trí tái định cư, chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị quỹ nhà ở tái định cư, lập phương án mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư, số lượng nhà, dự kiến giá mua... trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trong đó, giá mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư đề xuất phải được xác định theo nguyên tắc: Trường hợp đất xây dựng nhà ở do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc bồi thường thì giá mua bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 15%; trường hợp đất xây dựng nhà ở do chủ đầu tư tự bồi thường thì giá mua bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 10%.

Cũng tại Nghị định này, Chính phủ quy định việc phát triển nhà ở tái định cư phải tuân theo những nguyên tắc như: Tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; nhà ở tái định cư phải có điều kiện ở, sinh hoạt và sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ; đồng thời, đảm bảo chất lượng và an toàn trong sử dụng và phù hợp với văn hóa, tập quán của địa phương...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/09/2013.

Y tế-Sức khỏe:

BAN HÀNH DANH MỤC CHẤT MA TÚY VÀ TIỀN CHẤT

Ngày 19/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2013/NĐ-CP về Danh mục chất ma túy và tiền chất.

Theo đó, chất ma túy và tiền chất được phân chia thành 04 Danh mục, trong đó Danh mục I gồm 45 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm phải tuân theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền; Danh mục II gồm 121 chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế; Danh mục III gồm 69 chất hướng thần được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế; Danh mục IV gồm 41 tiền chất.

Nghị định cũng chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất có trong các danh mục nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan tới ma túy.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013 và thay thế các Nghị định trước đây về danh mục chất ma túy và tiền chất.

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CƠ SỞ TƯ VẤN CAI NGHIỆN THUỐC LÁ

Ngày 17/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó đáng chú ý là quy định về điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Theo Nghị định này, việc thành lập cơ sở tư vấn cai nghiện thuốc lá phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau: Có quyết định thành lập của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở của Nhà nước hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở tư nhân; có đủ cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá bao gồm tủ sách, áp phích, tờ rơi, băng đĩa cung cấp thông tin về cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, phòng dành riêng cho hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá với diện tích tối thiểu là 10m2 và có người trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá có kiến thức, hiểu biết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe...

Tương tự đối với cơ sở cai nghiện thuốc lá, ngoài 03 điều kiện nêu trên, Chính phủ quy định phải có thêm người trực tiếp thực hiện hoạt động cai nghiện thuốc lá có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện đúng quy trình cai nghiện thuốc lá.

Thông qua Nghị định này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, đánh giá việc thực hiện quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá và đề xuất Chính phủ quy định tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, nhằm nâng cao hiệu quả tác động của việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá và phù hợp với tình hình, xu hướng các nước trong khu vực và trên thế giới...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

Thương mại-Quảng cáo:

CHỈ ĐƯỢC KINH DOANH THAN KHI CÓ ĐĂNG KÝ NGÀNH NGHỀ

Ngày 15/07/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 14/2013/TT-BCT quy định về điều kiện kinh doanh than, bao gồm các hoạt động như mua bán nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, vận tải, tàng trữ, đại lý.

Tại Thông tư này, Bộ Công Thương quy định những điều kiện bắt buộc đối với hoạt động kinh doanh than; theo đó, chỉ doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có đăng ký ngành nghề kinh doanh than) mới được phép kinh doanh than; và doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh than có nguồn gốc hợp pháp.

Đồng thời, tùy thuộc hoạt động kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh than phải đảm bảo các điều kiện như: Sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng than đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ; cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán than phải có chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định hiện hành...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2013 và thay thế Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22/10/2007.

NGƯỜI NHẬP CẢNH ĐƯỢC MUA HÀNG MIỄN THUẾ TẠI SÂN BAY

Đây là nội dung mới được quy định tại Quyết định 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/07/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/12/2009.

Tại Quyết định này, Thủ tướng bổ sung thêm địa điểm đặt cửa hàng miễn thuế ở cửa khẩu quốc tế sân bay để phục vụ người nhập cảnh (không bao gồm người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển nhập cảnh) nằm trong khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Theo đó, ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, người nhập cảnh phải xuất trình hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh, thẻ lên tàu bay để được mua hàng miễn thuế và chỉ được mua hàng miễn thuế theo định mức hành lý miễn thuế quy định tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/07/2002. Người nhập cảnh không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh.

Cũng theo Quyết định này, Thủ tướng quy định đồng tiền dùng trong giao dịch tại các cửa hàng miễn thuế là đồng Việt Nam, các đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định hoặc đồng tiền các nước chung biên giới ở các cửa hàng miễn thuế tại khu vực biên giới (thay vì quy định chỉ dùng đồng Việt Nam và các đồng ngoại tệ USD, EURO như quy định hiện hành).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013.

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan