Thư viện pháp luật chung

Những chính sách có hiệu lực từ 12/2013
Những chính sách có hiệu lực từ 12/2013

Cập nhật 02/12/2013 08:29 AM

 
Tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay, phạt đến 20 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Tháng 12/2013 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ phí; Xử phạt vi phạm hành chính; Lao động - Tiền lương - Phụ cấp; Tư pháp - Hộ tịch; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin giới thiệu đến độc giả.

 

 

 

Lao động-Tiền lương – Phụ cấp:

TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TỪ NGÀY 01/01/2014

Theo Nghị định số 182/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động tăng 250.000 - 350.000 đồng/tháng từ ngày 01/01/2014.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV là 1.900.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng/tháng so với trước đây (mức lương tối thiểu theo quy định cũ là 1.650.000 đồng/tháng); mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I tăng từ 2.350.000 đồng/tháng lên 2.700.000 đồng/tháng, tăng 350.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành; mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II và III cũng tăng 300.000 đồng/tháng lên 2.400.000 đồng/tháng và 2.100.000 đồng/tháng (trước đây là 2.100.000 đồng/tháng và 1.800.000 đồng/tháng).

Theo đó, mức lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nêu trên. Riêng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức lương thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013.

TÍNH LƯƠNG HƯU ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN ĐÃ CHUYỂN SANG NGẠCH CÔNG CHỨC

 Ngày 08/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/04/2007, trong đó, đáng chú ý là quy định hướng dẫn tính lương hưu đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển sang ngạch công chức, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp Nhà nước, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu.

Cụ thể, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Trường hợp chuyển ngành sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; tham gia đóng BHXH từ trước ngày 01/01/1995 đến nay và đối tượng vừa có thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian tham gia BHXH không theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2013.

XỬ LÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU DO CÔNG VIỆC BỊ PHÁP LUẬT CẤM

 Ngày 25/10/2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.

Trong đó, đáng chú ý là quy định về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc bị pháp luật cấm. Theo đó, trường hợp không giao kết được hợp đồng lao động mới với người lao động khi hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc bị pháp luật cấm, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền do 02 bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng 01 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng đối với địa bàn nơi người sử dụng lao động đặt cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc đơn vị, chi nhánh mà người lao động làm việc.

Trường hợp người lao động đã có thời gian làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động khác trước đó từ đủ 12 tháng trở lên mà chưa được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, thì ngoài khoản tiền được chi trả nêu trên, người lao động còn được hưởng trợ cấp thôi việc đối với thời gian đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động trước đó.

Cũng theo Thông tư này, thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước do hai bên xác định trong khoảng thời gian từ đủ 12 - 36 tháng, nhưng tối đa không quá thời hạn của Giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Hết thời hạn, người sử dụng lao động và người được thuê làm giám đốc có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động 01 lần thông qua ký kết phụ lục hợp đồng lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng hoặc không quá thời hạn của Giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (đối với người được thuê là người nước ngoài).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/07/2013.

 

Xử phạt vi phạm hành chính

ĐƯA, NHẬN HỐI LỘ TRONG KHÁM, CHỮA BỆNH, PHẠT ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nghị định chỉ rõ, phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với người hành nghề khám, chữa bệnh không đeo biển tên hoặc không sử dụng trang bị phòng hộ theo quy định của pháp luật; cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; 01 - 02 triệu đồng hoặc 02 - 05 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức định kỳ hàng năm việc truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 50 người đến dưới 100 người; 100 người đến dưới 200 người hoặc từ 200 người đến dưới 500 người.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện; không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của pháp luật hoặc bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; phạt tiền lần lượt từ 20 - 30 triệu đồng và 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cá nhân hành nghề không có chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu.

Mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu này cũng được áp dụng đối với các hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; không khẩn trương sơ cứu người bệnh, từ chối khám, chữa bệnh cho người bệnh; vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh; môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người; sử dụng vắc xin không có số đăng ký hoặc đã hết hạn sử dụng...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013.

SỬ DỤNG HÓA CHẤT BỊ CẤM ĐỂ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM, PHẠT ĐẾN 200 TRIỆU ĐỒNG

 Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo đó, từ ngày 31/12/2013, chính thức phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm hoặc sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không theo quy định; phạt tiền lần lượt từ 20 - 40 triệu đồng; 30 - 50 triệu đồng và 70 - 100 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm và sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Mức phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm...

Các mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân; trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự, mức tiền phạt bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân nêu trên.

Riêng đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm, mức tiền phạt bằng 80% - 100% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng (đối với tổ chức).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013.

DÙNG HÓA CHẤT CẤM ĐỂ BẢO QUẢN THỰC PHẨM, PHẠT ĐẾN 36 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp, với mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng trong lĩnh vực hóa chất và 200 triệu đồng trong lĩnh vực phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Cụ thể, phạt tiền từ 08 - 10 triệu đồng đối với hành vi không có kho cất giữ hóa chất nguy hiểm, trừ trường hợp kinh doanh hóa chất nguy hiểm được vận chuyển trực tiếp đến kho của bên mua; phạt tiền từ 10 - 16 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng hóa chất nguy hiểm trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa không đúng mục đích đã đăng ký hoặc không thực hiện đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm trước khi bắt đầu sử dụng; phạt tiền lần lượt từ 16 - 24 triệu đồng; 24 - 30 triệu đồng; 30 - 36 triệu đồng và 36 - 40 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất cấm để sản xuất và bảo quản thức ăn gia súc; sản xuất các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất và bảo quản thực phẩm và sản xuất thuốc chữa bệnh, sản phẩm hóa chất tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hóa chất...

Ngoài các mức phạt tiền nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ từng hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị đình chỉ sản xuất, kinh doanh, cất giữ hóa chất nguy hiểm từ 01 - 03 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất từ 01 - 03 tháng; buộc tiêu hủy hóa chất nguy hiểm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc đưa ra khỏi Việt Nam...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013.

SĂN, BẮN ĐỘNG VẬT RỪNG TRÁI PHÉP, PHẠT TỐI ĐA 500 TRIỆU ĐỒNG

Đây là nội dung của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất từ động vật rừng; giết động vật rừng trái quy định của pháp luật có tang vật vi phạm dao động từ 500.000 đồng - 500 triệu đồng, tùy thuộc vào loại động vật rừng và giá trị của chúng. Cụ thể, mức phạt tối đa 400 - 500 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi có tang vật vi phạm là động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị từ trên 270 triệu đồng hoặc thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB (nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) có giá trị từ trên 160 triệu đồng; nuôi trái phép từ trên 08 cá thể động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IB (nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Ngoài phạt tiền, hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật; tịch thu công vụ, phương tiện vi phạm và tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng súng săn, Giấy chứng nhận về nuôi động vật rừng từ 06 -12 tháng.

Đồng thời, Nghị định cũng chỉ rõ, hành vi mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật rừng; đưa súc vật kéo, mang dụng cụ thủ công vào rừng để khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép… bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; hành vi đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô; đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng… bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013 và thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009.

TỰ Ý MỞ CỬA THOÁT HIỂM MÁY BAY, PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 30/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi mở cửa thoát hiểm tàu bay trái quy định.

Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng này cũng được áp dụng đối với các cá nhân có hành vi xâm nhập trái phép vào tàu bay; hành hung thành viên tổ bay, hành khách trên tàu bay; đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay trái quy định; sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên tàu bay không đúng theo giấy phép sử dụng đã được cấp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về an ninh hàng không. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với cá nhân không tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên an ninh hàng không khi ở trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; phạt tiền lần lượt từ 03 - 05 triệu đồng; 05 - 10 triệu đồng và 20 - 30 triệu đồng đối với các nhân có hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; đánh bạc hoặc để người khác lợi dụng trụ sở hoặc trên phương tiện trong khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay đánh bạc và tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 03/06/2010.

KHÔNG ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ, PHẠT ĐẾN 100 TRIỆU ĐỒNG

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 148/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng; 60 - 80 triệu đồng và 80 - 100 triệu đồng lần lượt được áp dụng đối với tổ chức đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề ở các trình độ sơ cấp nghề; trung cấp nghề và cao đẳng nghề với cơ quan có thẩm quyền; phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với tổ chức không đăng ký hoạt động dạy nghề với các trường hợp bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo; chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề; thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề; thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới; mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 50% số giờ tiêu chuẩn của năm học và hành vi làm lộ hoặc làm mất đề thi lần lượt là 10 - 15 triệu đồng và 20 - 25 triệu đồng...

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập; đình chỉ hoạt động đào tạo nghề có thời hạn từ 01 - 03 tháng; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu; buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển...

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề xảy ra trước ngày 01/07/2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nghị định này thay thế Nghị định 116/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.

BỎ CON SAU KHI SINH BỊ PHẠT ĐẾN 15 TRIỆU ĐỒNG

Đây là nội dung của Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định; cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong các trường hợp này, ngoài phạt tiền, cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, mức phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng và từ 03 - 05 triệu đồng lần lượt được áp dụng đối với các hành vi: Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi; cha mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em trẻ em đi lang thang kiếm sống và hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.

Nghị định cũng chỉ rõ, hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng; hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn; quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011.

 

Y tế - sức khỏe

THỜI GIAN ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH TỐI ĐA 12 THÁNG

 Theo Thông tư số 35/2013/TT-BYT ngày 30/10/2013 của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc không đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; không có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đủ 36 tháng phải bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn.

Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn được ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và khả năng khắc phục của cơ sở đó nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Quá thời gian đình chỉ nêu trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa khắc phục được sai sót chuyên môn thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở đó hoặc gia hạn thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh nhưng tổng thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn đình chỉ tối đa không quá 12 tháng.

Riêng đối với cơ sở khám, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động chuyên môn 12 tháng, nếu đủ thời gian đình chỉ mà cơ sở đó không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động (trường hợp bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn) hoặc phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động để thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn (trường hợp bị đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.

6 TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM

Theo quy định tại Thông tư số 28/2013/TT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các sản phẩm trên chỉ được phép lưu thông, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sau khi được cơ quan kiểm tra Nhà nước cấp Thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc Thông báo thực phẩm chỉ kiểm tra hồ sơ.

Các thực phẩm nhập khẩu nêu trên phải được lấy mẫu tại địa điểm do cơ quan kiểm tra quyết định (tại cửa khẩu, nơi tập kết hoặc trong kho bảo quản). Trường hợp chủ hàng tự ý tiêu thụ hoặc phân tán lô hàng khỏi địa điểm tập kết trước khi cơ quan kiểm tra lấy mẫu kiểm tra, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan Hải quan và Bộ Công Thương để có biện pháp thu hồi hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; thực phẩm gửi kho ngoại quan; thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu và thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm khi nhập khẩu vào Việt Nam được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013.

 

 

Tư pháp – Hộ tịch

BỎ GHI TÊN CHA, MẸ TRÊN CHỨNG MINH NHÂN DÂN

Ngày 13/11/2013, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 57/2013/TT-BCA về mẫu Chứng minh nhân dân (CMND), trong đó đáng chú ý là quy định bỏ ghi họ tên cha, mẹ ở mặt sau của CMND. Ngoài ra, các quy định khác về hình dáng, kích thước, nội dung và quy cách… của mẫu CMND vẫn tương tự như quy định trước đây.

Cụ thể, CMND hình chữ nhật, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm; được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Mặt trước của CMND: bên trái, từ trên xuống có hình Quốc huy, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp CMND cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến… (ngày, tháng, năm); bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; chữ “Chứng minh nhân dân”; số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán, nơi thường trú.

Mặt sau của CMND: Trên cùng là mã vạch 02 chiều; bên trái có 02 ô: Ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải; bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp CMND; chức danh người cấp, ký tên, đóng dấu.

Thông tư này cũng vẫn quy định, mỗi công dân chỉ được cấp 01 CMND và có 01 số CMND riêng gồm 12 số tự nhiên. CMND có thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp đổi, cấp lại.

Thông tư này thay thế Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/05/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 29/12/2013; riêng mẫu CMND quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 02/11/2013.

 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ 5 TUỔI

Ngày 06/11/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 36/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT- BGDĐT ngày 02/12/2010, quy định trẻ em 5 tuổi được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non phải hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 05 - 06 tuổi) trước 06 tuổi với thời gian 02 buổi học/ngày trong 01 năm học và số ngày nghỉ học tối đa 45 ngày.

Cũng theo Thông tư này, đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 05 tuổi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trẻ em; giáo viên và cơ sở vật chất. Cụ thể như: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi đều dưới 10%; 100% giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành; 100% giáo viên dạy lớp 05 tuổi đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, trong đó có 50% trở lên đạt trình độ trên chuẩn; số phòng học đạt tỷ lệ 01 phòng học/lớp (nhóm); phòng học lớp 05 tuổi được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, trong đó phòng sinh hoạt chung bảo đảm diện tích tối thiểu 1,5 m2/trẻ; 100% lớp 05 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định; trường học xanh, sạch, đẹp; có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước; có nhà bếp; công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu; sân chơi có đồ chơi ngoài trời...

Riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, hải đảo, tỷ lệ chuyên cần của trẻ phải đạt 80% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi không quá 15%; 100% số trẻ em mẫu giáo 05 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013.

 

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

THỜI HẠN ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC CÔNG CHỨC TỪ 2 - 5 NĂM

Ngày 01/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định Danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, đáng chú ý là quy định thay đổi thời hạn chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, từ ngày 20/12/2013, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác thay vì cố định ở mức 03 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, nay dao động từ 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) tùy theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ... có trách nhiệm ban hành văn bản quy định cụ thể thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan.

Riêng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có 01 vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc định kỳ chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định chuyển đổi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013.

 

Chế độ - Chính sách

YÊU CẦU ĐỐI VỚI TỔ CHỨC ĐÓN TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI

Ngày 29/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân...

Theo đó, việc tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài phải chú trọng yêu cầu chính trị, đối ngoại, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm góp phần tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước tổ chức quốc tế. Mức độ và nghi lễ đón, tiếp các đoàn khách nước ngoài thực hiện trên cơ sở yêu cầu của chuyến thăm và nguyên tắc đối đẳng do cơ quan chủ trì tổ chức đón, tiếp kiến nghị.

Đối với các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp Nhà nước, thăm chính thức, làm việc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chủ trì đón, tiếp có tặng phẩm tặng Trưởng đoàn khách và phu nhân (phu quân) đi cùng (nếu có). Tặng phẩm phải là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng thành viên chính thức và quan chức tùy tùng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, việc tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2013.

MÔ TÔ NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC THAM GIA GIAO THÔNG TẠI VIỆT NAM TỐI ĐA 30 NGÀY

Theo quy định tại Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ, phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch (bao gồm xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái, từ 09 chỗ ngồi trở xuống và xe mô tô) được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp bất khả kháng, phương tiện có thể lưu lại Việt Nam, nhưng không quá 10 ngày.

Phương tiện cơ giới nước ngoài muốn tham gia giao thông tại Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện; thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký tại nước ngoài và gắn biển số nước ngoài; có Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực; có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực; do công dân nước ngoài điều khiển...

Cũng theo Nghị định này, trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam, phương tiện cơ giới nước ngoài phải có phương tiện đi trước dẫn đường. Phương tiện dẫn đường là xe ô tô hoặc mô tô (trường hợp khách du lịch mang xe mô tô) do doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013.

 

Doanh nghiệp

ĐIỀU KIỆN NGỪNG, GIẢM MỨC CUNG CẤP ĐIỆN

Ngày 14/11/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BCT quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Theo quy định tại Thông tư này, bên bán điện chỉ có thể ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau: Do có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được; khi có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện; do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Cũng theo Thông tư này, bên bán điện có thể ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp theo kế hoạch khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hòa, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu theo kế hoạch; theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình hoặc theo yêu cầu của bên mua điện.

Mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện phải được thông báo trước cho bên mua điện theo quy định của pháp luật bằng văn bản; điện báo; điện thoại; fax; tin nhắn (SMS); thư điện tử (Email) hoặc các phương tiện thông tin đại chúng do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng mua bán điện. Nội dung thông báo ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện bao gồm: Địa điểm ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện; lý do ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện; thời gian bắt đầu ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện và thời gian dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013.

TỪ NĂM 2015 - 2016, CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN TÁCH THÀNH ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN ĐỘC LẬP

Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo Quyết định này, thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 03 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (từ nay đến hết năm 2014); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2015 - 2016 và hoàn chỉnh từ năm 2017 - 2021); thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2021 - 2023 và hoàn chỉnh từ sau năm 2023).

Trong đó, để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tại giai đoạn thí điểm (từ năm 2015 - 2016), các đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện phải là đơn vị độc lập, không có chung lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện; Tổng công ty phát điện, các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (trừ các nhà máy điện lớn do Nhà nước độc quyền quản lý) phải tách thành đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực; tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không vượt quá 25% tổng công suất đặt của các đơn vị phát điện tham gia thị trường điện…

Tại giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2017 - 2021), công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực phải tổ chức thành đơn vị hạch toán độc lập, đơn vị này phải thực hiện tách bạch về tổ chức bộ máy và hạch toán của các bộ phận phân phối điện và bán lẻ điện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013 và thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006.

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Ngày 01/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước gồm 07 người; có trách nhiệm quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và hàng năm của Tổng công ty; quyết định việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp; đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương; xây dựng quy chế quản lý tiền lương, tiền thưởng và chi phí có tính chất lương trong Tổng công ty theo quy định của pháp luật...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013.

QUY ĐỊNH ĐIỀU LỆ TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Ngày 31/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

PVN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ khoảng 177.628 nghìn tỷ đồng; có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật, với ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí, khí hóa than, làm dịch vụ về dầu khí ở trong và ngoài nước; kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu khí, các nguyên liệu hóa phẩm dầu khí...

Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ có thể tăng lên từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của PVN; Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại PVN sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung hoặc chủ sở hữu Nhà nước giao cho PVN thực hiện chức năng chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của 01 doanh nghiệp khác tham gia làm công ty con hoặc công ty liên kết của PVN.

Việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ của PVN do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp tăng vốn điều lệ, PVN phải tiến hành điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối tài sản, công bố vốn điều lệ và làm các thủ tục điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013.

CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 13/11/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 158/2013/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư này, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước căn cứ vào các chỉ tiêu sau: Doanh thu và thu nhập khác; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; tình hình chấp hành chế độ, chính sách pháp luật; tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ cung ích. Khi tính các chỉ tiêu nêu trên được loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố như: Nguyên nhân bất khả kháng; đầu tư mở rộng phát triển sản xuất làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong 02 năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng; Nhà nước điều chỉnh chính sách làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp...

Đặc biệt, khi tính toán chỉ tiêu lợi nhuận, cần lưu ý tính đủ các khoản chi phí vào giá thành sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kinh doanh như: Trích lập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi, bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp; chênh lệch tỷ giá; các khoản lãi vay phải trả phát sinh trong kỳ; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ. Đối với giá trị tài sản tổn thất thực tế, kể cả nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi trừ phần bồi thường thuộc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, tổ chức bảo hiểm (nếu có) và khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/12/2013./.

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan