Thư viện pháp luật chung

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 01/2014
 Những chính sách có hiệu lực từ tháng 01/2014

Cập nhật 02/01/2014 08:43 AM

 
Buôn bán thuốc giả, phạt đến 100 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Tháng 01/2014 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ phí; Xử phạt vi phạm hành chính; Lao động - Tiền lương - Phụ cấp; Tư pháp - Hộ tịch; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin giới thiệu đến độc giả.

 

 

 

Thuế-Phí-Lệ phí:

ĐIỀU KIỆN ÁP THUẾ SUẤT THUẾ GTGT 0% ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm: Công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài; phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc cho thiết bị bên nước ngoài...) muốn áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về loại hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và giấy tờ...

Cụ thể như: Có hóa đơn GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT hàng hóa ở khâu nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT đối với trường hợp mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam; có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng; có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu hoặc ủy thác gia công hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan; có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không dùng tiền mặt và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật...

Riêng đối với các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; cấp tín dụng ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn ra nước ngoài; đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ bưu chính viễn thông; dịch vụ tài chính phái sinh và trường hợp sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan không được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0%.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

GIẢM 50% THUẾ TNCN CHO NGƯỜI LÀM VIỆC TẠI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU

Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, quy định người Việt Nam và người nước ngoài trực tiếp làm việc, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu, có thu nhập từ việc làm, sản xuất kinh doạnh tại khu kinh tế cửa khẩu thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật được giảm 50% số thuế phải nộp.

Cũng theo Quyết định này, nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất trong khu kinh tế cửa khẩu làm mặt bằng sản xuất kinh doanh mà lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và giảm 30% tiền sử dụng đất phải nộp đối với các dự án đầu tư còn lại.

UBND các tỉnh có trách nhiệm sử dụng các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại khu kinh tế cửa khẩu để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích cần thiết phục vụ chung trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.

QUY ĐỊNH MỨC THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/11/2013, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định theo nhóm, loại khoáng sản, bằng tỷ lệ phần trăm giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác và dao động từ 1% - 5%.

Trong đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với nhóm vật liệu xây dựng thông thường dùng cho san lấp (đất, cát, đá) là 5%; đối với than bùn và các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại là 4%; mức thu đối với đá ốp lát gốc; nhóm khoáng sản đá quý, đá bán quý, khoáng sản nước nóng, nước khoáng, khí CO2 và cát trắng, sét chịu lửa hoặc đá vôi, secpentin lần lượt là 1%; 2% và 3%...

Cũng theo Nghị định này, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Mỗi loại khoáng sản trong 01 khu vực khai thác khoáng sản chỉ áp dụng 01 mức giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trường hợp trong 01 khu vực, sản phẩm sau khai thác có nhiều loại và mỗi loại có mức giá khác nhau thì áp dụng giá trị trung bình các mức giá.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2014.

MIỄN THUẾ TNDN 4 NĂM CHO DOANH NGHIỆP TRONG KHU CNTT TẬP TRUNG

Ngày 08/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2013/NĐ-CP quy định về khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung.

Khu CNTT tập trung là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp, các hoạt động khác liên quan đến CNTT và phải đáp ứng một số tiêu chí như: Có ít nhất 2.000 hoặc 1.000 lao động (đối với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT) làm việc chuyên môn về CNTT, chiếm tối thiểu 60% tổng số lao động làm việc trong khu; có các phân khu chức năng theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT thì tổng diện tích đất tối thiểu phải đạt 01 ha; trường hợp có thêm các hoạt động khác thì tổng diện tích đất tối thiểu là 05 ha.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực CNTT tại khu CNTT tập trung sẽ được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng đầu tư và các chính sách ưu đãi khác như: Được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất hoặc thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật về đất đai; được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu CNTT tập trung; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT của doanh nghiệp và được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và sản phẩm, dịch vụ CNTT...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

 

 

Vi phạm hành chính:

TỪ 01/01/2014, “HÁT NHÉP” BỊ PHẠT ĐẾN 10 TRIỆU ĐỒNG

Theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013, ngoài hành vi sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc cho âm thanh thật của nhạc cụ độc diễn thì hành vi sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 08 giờ sáng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép… cũng bị áp dụng mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về việc xử phạt các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Cụ thể như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa; phạt từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, trang trọng hơn các cờ hội…; phạt từ 01 - 03 triệu đồng đối hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật…

Kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200m; kinh doanh karaoke và vũ trường cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính Nhà nước dưới 200m; tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử sau 10 giờ đêm đến 08 giờ sáng sẽ bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

LÃNG PHÍ ĐIỆN, NƯỚC, PHẠT ĐẾN 2 TRIỆU ĐỒNG

Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành gây lãng phí là nội dung quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết mức xử phạt đối với hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không đúng mục đích, cụ thể: Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng đối với hành vi bố trí, sử dụng tài sản có giá trị vượt dưới 50 triệu đồng; phạt tiền lần lượt từ 05 - 10 triệu đồng và 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước có giá trị vượt từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích; bố trí, sử dụng tài sản có giá trị vượt từ 100 triệu đồng trở lên...

Hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước không đúng với quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng; vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định cũng bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng; 40 - 70 triệu đồng hoặc 70 - 100 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.

CHẬM NỘP TIỀN PHẠT VPHC VỀ HẢI QUAN, TÍNH LÃI 0,05%/NGÀY

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hải quan chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC, ngoài việc phải nộp đủ số tiền phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm lãi 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp đối với mỗi ngày chậm nộp phạt là nội dung của Thông tư số 190/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/12/2013, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 quy định xử phạt VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.

Cũng theo Thông tư này, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính có thể được xét miễn giảm phí thi hành cưỡng chế khi có khó khăn về kinh tế (cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn) hoặc thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng hoặc thuộc diện người neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

Trường hợp cá nhân bị cưỡng chế đã chấp hành được một phần chi phí cưỡng chế nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, thì được xét giảm số tiền chi phí cưỡng chế còn lại. Đối với các trường hợp còn lại, mức giảm bằng 50% số tiền chi phí cưỡng chế phải nộp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/01/2014.

KÊ KHAI KHÔNG CHÍNH XÁC HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DN, PHẠT ĐẾN 15 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 11/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó đáng chú ý là quy định về xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác khi đăng ký thành lập DN; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN; đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký giải thể DN...; phạt tiền lần lượt từ 01 - 02 triệu đồng; 10 - 20 triệu đồng và 25 - 30 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký DN trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia theo quy định; không góp đủ số vốn như đã đăng ký và kinh doanh dưới hình thức DN mà không đăng ký thành lập DN hoặc kinh doanh dưới danh nghĩa DN khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN (hoặc đã giải thể)...

Ngoài các mức phạt tiền nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin DN đã kê khai không trung thực, không chính xác; buộc phải công bố nội dung đăng ký DN trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia theo quy định; buộc phải tiến hành thủ tục giải thể DN theo quy định của pháp luật...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014; thay thế các Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04/04/2007 và Nghị định số 62/2010/NĐ-CP ngày 04/06/2010.

BUÔN BÁN THUỐC GIẢ, PHẠT ĐÊN 100 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 15/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đáng chú ý là quy định về xử phạt đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Cụ thể, phạt tiền lần lượt từ 10 - 20 triệu đồng; 20 - 30 triệu đồng và 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng; từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng và từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên; phạt tiền lần lượt từ 10 - 20 triệu đồng;  20 - 30 triệu đồng và 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hàng cấm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng...

Trường hợp hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người; thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm, mức phạt tiền bằng 02 lần các mức phạt tiền nêu trên.

Ngoài ra, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc từ 01 tỷ đồng trở lên nhằm bán lại thu lợi bất chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng hoặc từ 80 - 100 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

CHẬM CÔNG KHAI THÔNG TIN TÀI CHÍNH, PHẠT ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG

Theo Thông tư số 171/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn công khai thông tin tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013 của Chính phủ, tổ chức, cá nhân công khai thông tin tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định; công khai thông tin tài chính chậm từ 01 - 03 tháng theo thời hạn quy định hoặc thực hiện công khai thông tin tài chính chậm quá 03 tháng theo thời hạn quy định; công khai thông tin, số liệu tài chính sai sự thật sẽ bị phạt tiền lần lượt từ 05 - 10 triệu đồng hoặc từ 20 - 30 triệu đồng.

Cũng theo Thông tư này, từ ngày 05/01/2014, doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải công khai thông tin năm về kết quả kinh doanh; các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động; tình hình chấp hành các nghĩa vụ đối với người lao động như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm... (nếu có); tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng, thu nhập bình quân hàng tháng, năm trước liền kề của từng viên chức quản lý doanh nghiệp; nhận xét, đánh giá, khuyến nghị của chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước khác đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp... cho người lao động thông qua trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, ấn phẩm, niêm yết tại doanh nghiệp và công bố trong Hội nghị người lao động.

Trong đó, ngôn ngữ thực hiện công khai thông tin về tài chính của các doanh nghiệp phải là tiếng Việt. Trường hợp pháp luật quy định công khai thông tin bổ sung bằng ngôn ngữ khác thì ngôn ngữ thực hiện công khai thông tin bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2014; thay thế Thông tư số 29/2005/TT-BTC ngày 14/04/2005.

KHÔNG ĐĂNG KÝ SANG TÊN XE, PHẠT ĐẾN 4 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó, đáng chú ý là quy định về mức xử phạt đối với các trường hợp không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, mức phạt tiền đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng lần lượt giảm xuống còn 01 - 02 triệu đồng đối với cá nhân và 02 - 04 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô (theo quy định trước đây là 06 - 10 triệu đồng). Tương tự, với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, mức tiền phạt cũng được giảm đáng kể. Theo đó, từ ngày 01/01/2017, chính thức phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng hoặc 200.000 đồng - 400.000 đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định của pháp luật (mức xử phạt cũ từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm mới, cụ thể: Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng đối với trường hợp điều khiển xe ô tô có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường hoặc không tham gia cấp cứu người bị nạn; phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi phía trước để điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước); tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng hoặc phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

 

 

Chính sách kinh tế-xã hội:

HỖ TRỢ 100% LÃI SUẤT VỐN VAY MUA THIẾT BỊ GIẢM TỔN THẤT TRONG NÔNG NGHIỆP

Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo đó, từ ngày 01/01/2014, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản; dịch vụ cơ giới nông nghiệp và các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân khi mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 02 năm đầu và 50% trong năm thứ ba; mức vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa.

Nhóm danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ lãi suất vốn vay bao gồm: Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản; các loại máy kéo, động cơ diezen sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản; kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

HƯỚNG DẪN TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ

Ngày 07/12/2013, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 214/2013/TT-BQP hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ có trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và các cơ quan thông tấn, báo chí phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nội dung cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ bao gồm: Cơ sở nguồn tin; vị trí, số lượng mộ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí và các đặc điểm liên quan khác (nếu có).

UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kết luận số lượng, lập danh sách liệt sĩ của địa phương; cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho thân nhân thuộc phạm vi trách nhiệm và chỉ đạo, tổ chức lập bản đồ tìm kiếm, quy tập của xã, bảo đảm đầy đủ nội dung quy định và tính xác thực của bản đồ, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2014.

 

 

Hành chính:

THỦ TỤC XỬ PHẠT VPHC ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Ngày 06/12/2013, Liên bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ.

Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự trong cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao lập biên bản VPHC đối với lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc không đến nơi làm việc theo hợp đồng sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động, khi trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ; nhận được văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sở tại về hành vi vi phạm của người lao động hoặc văn bản thông báo của người sử dụng lao động ở nước ngoài về hành vi vi phạm của nười lao động.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt VPHC gửi cho người bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt, Chủ tịch UBND cấp xã và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp không thể giao trực tiếp cho người vi phạm do không xác định được nơi ở, nơi làm việc của người bị xử phạt thì quyết định xử phạt VPHC được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người bị xử phạt trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2014.

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT CỦA NHNN

Theo Thông tư số 30/2013/TT-NHNN ngày 09/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chậm nhất ngày 01/10 hàng năm, Vụ Pháp chế NHNN có văn bản đề nghị các đơn vị thuộc NHNN đề xuất xây dựng thông tư dự kiến ban hành trong năm tiếp theo.

Nội dung đề nghị xây dựng thông tư cần nêu rõ: Tên thông tư, sự cần thiết ban hành, căn cứ ban hành, đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản, đơn vị chủ trì soạn thảo, thời gian dự kiến ban hành và kế hoạch soạn thảo đối với từng văn bản. Kế hoạch soạn thảo văn bản phải dự kiến tối thiểu các thời điểm xây dựng dự thảo thông tư; lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư; gửi Vụ Pháp chế thẩm định dự thảo và trình Thống đốc ký ban hành thông tư. Chương trình xây dựng thông tư sau khi được Thống đốc ký ban hành phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của NHNN.

Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 24/2009/NĐ-CP, hướng dẫn của Bộ Tài chính và NHNN về việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đơn vị thuộc NHNN có trách nhiệm tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2014.

 

 

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

CÁC TRƯỜNG HỢP XEM XÉT CHO VAY BẰNG NGOẠI TỆ NĂM 2014

Ngày 06/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 29/2013/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/12/2014, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn sau: Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014 có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay...

Ngoài ra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn khác thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận bằng văn bản. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay bằng ngoại tệ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 12 tháng liền kề báo cáo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 và thay thế Thông tư số 37/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012.

HƯỚNG DẪN TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Ngày 21/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về tài chính công đoàn.

Theo đó, các cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật phải trích nộp kinh phí công đoàn với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ ngày 01/01/2013.

Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân và cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong công an nhân dân.

Nguồn đóng kinh phí công đoàn được ngân sách Nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật (đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên) hoặc được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ (đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ)...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014.

QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ TIỀN GIẢ TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

Theo quy định tại Thông tư số 28/2013/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 05/12/2013, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải lập biên bản, thu giữ hoặc tạm thu giữ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; có tiền giả loại mới; có từ 05 tờ tiền giả (hoặc 05 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong 01 giao dịch hoặc khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý. Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.

Cũng theo Thông tư này, người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả hoặc người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được tập huấn kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2014 và thay thế Quyết định số 28/2008/QĐ-NHNN ngày 10/10/2008.

 

 

Tài nguyên-Môi trường:

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH LOÀI ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ phải là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử và có số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng theo quy định của pháp luật.

Trong đó, loài có số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng được xác định như sau: Đối với động vật hoang dã, thực vật hoang dã, phải có một trong các điều kiện như: Suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 10 năm gần nhất hoặc 03 thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; nơi cư trú hoặc phân bổ ước tính dưới 500 km2 và quần thể bị chia cắt nghiêm trọng hoặc suy giảm liên tục về khu vực phân bổ, nơi cư trú; quần thể loài ước tính có dưới 250 cá thể trưởng thành...; Đối với giống cây trồng, phải có hệ số đa dạng nguồn gen của giống thấp hơn 0,25 hoặc tỷ lệ hộ trồng dưới 10% tổng số hộ trồng tại nơi xuất xứ...

Cũng theo Nghị định này, việc nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ nêu trên phải đáp ứng các điều kiện như: Loài phải có nguồn gốc hợp pháp và thuộc Danh mục loài đã đăng ký nuôi, trồng khi thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật; việc nuôi, trồng phải phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo giống ban đầu được thực hiện tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHỨNG NHẬN NHÃN XANH VIỆT NAM

Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT ngày 02/12/2013 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định tiêu chí nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường (Nhãn xanh Việt Nam) phải tương tứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và bao gồm 02 nội dung chính sau: Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; Tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại.

Thông tư cũng nêu rõ, việc gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp muốn gắn Nhãn xanh Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam tới Tổng cục Môi trường. Trường hợp đạt yêu cầu, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm công bố Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm được chứng nhận trên Tạp chí Môi trường, trên các tài liệu tuyên truyền quảng bá Nhãn xanh Việt Nam và trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường.

Hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam bao gồm: 01 đơn đề nghị chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; 01 bản chính báo cáo hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp hoặc 01 bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia ISO 14001 còn hiệu lực; 01 bản chính báo cáo đánh giá sản phẩm đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam kèm theo kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp có thời hạn không quá 06 tháng; 01 bản sao y bản chính Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bản vẽ và 01 bản chụp hoặc vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có kích cỡ bằng 21 x 29 cm...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.

 

 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ ĐẠI HỌC QUỐC GIA

Ngày 17/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2013/NĐ-CP về Đại học quốc gia.

Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, được tổ chức theo 02 cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Đại học quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy và tài khoản riêng; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành khác và UBND cấp tỉnh nơi Đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định pháp luật và được phép thí điểm mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, ngoài danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế; phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại Đại học quốc gia theo quy định của pháp luật...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

HỌC SINH LỚP 12 THI OLYMPIC ĐƯỢC MIỄN THI TỐT NGHIỆP

Ngày 27/11/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012, cho phép học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định chi tiết nguyên tắc tuyển chọn học sinh vào các đội tuyển Olympic. Cụ thể, học sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế của những môn có tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực được tuyển chọn trong số các học sinh đã dự thi Olympic khu vực cùng năm theo tổng điểm thi của kỳ thi chọn đội tuyển và kỳ thi Olympic khu vực. Việc xét chọn được thực hiện từ cao xuống thấp và phải đảm bảo số học sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế.

Đối với những học sinh có tổng số điểm của cả 02 kỳ thi trên bằng nhau, học sinh có điểm thi cao hơn trong kỳ thi Olympic khu vực sẽ được chọn; trường hợp điểm thi Olympic khu vực của các học sinh bằng nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức cho các học sinh đó làm bài kiểm tra để lựa chọn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014.

NGUYÊN TẮC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIÁO DỤC

Ngày 04/12/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

Theo quy định tại Thông tư này, hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; đảm bảo không trùng lặp về vi phạm, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra. Hoạt động thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, đồng thời, kết hợp giữa hoạt động thanh tra Nhà nước, thanh tra nội bộ, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá nhà giáo và hoạt động thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm thanh tra chuyên ngành đối với các sở giáo dục và đào tạo; các học viện, trường đại học, viện, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Nội dung thanh tra đối với các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: Việc thực hiện quy chế đào tạo, liên kết đào tạo; quy định về mở ngành đào tạo; xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu phục vụ đào tạo; quy chế thi cử; việc in, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục và thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2014.

 

 

Khoa học-Công nghệ:

TIÊU CHUẨN CỦA PHẦN MỀM QUẢN LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Phần mềm quản lý tài sản cố định phải tự động xử lý và đảm bảo sự chính xác về số liệu tài sản Nhà nước là một trong những tiêu chuẩn của phần mềm quản lý tài sản cố định quy định tại Thông tư số 184/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của phần mềm quản lý tài sản cố định áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp (HCSN).

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý tài sản cố định còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác như: Không làm thay đổi nghiệp vụ quản lý tài sản được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phần mềm có khả năng nâng cấp, sửa đổi phù hợp với những thay đổi của chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà không ảnh hưởng đến dữ liệu đã có; tự động xử lý và đảm bảo sự chính xác về số liệu tài sản Nhà nước; có khả năng phục hồi được các dữ liệu, thông tin tài sản trong các trường hợp phát sinh sự cố kỹ thuật trong quá trình sử dụng và danh mục tài sản cố định trong phần mềm phải bao gồm các loại tài sản như đất, nhà, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản, máy móc, cây lâu năm...

Ngoài những tiêu chuẩn nêu trên, phần mềm quản lý tài sản cố định còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như: Được đặt tên, thuyết minh rõ xuất xứ, tính năng kỹ thuật, mức độ đạt các tiêu chuẩn; có tài liệu hướng dẫn cụ thể kèm theo để giúp người sử dụng vận hành an toàn, có khả năng xử lý các sự cố; và được hỗ trợ từ đơn vị cung cấp thông qua các hình thức đơn giản, thuận tiện để đảm bảo trong quá trình triển khai, thực hiện được thông suốt...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2014.

 

 

Tư pháp-Hộ tịch:

QUỐC HỘI THÔNG QUA HIẾN PHÁP NĂM 2013

Tại kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, giảm 01 chương và 27 điều, có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường theo hướng cơ bản và khái quát hơn so với Hiến pháp năm 1992.

Hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Hiến pháp cũng thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhấn mạnh “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”, là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân...

Hiến pháp này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

 

 

Cơ cấu tổ chức:

THAY ĐỔI CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ngày 26/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo quy định tại Nghị định này, từ ngày 15/01/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 26 đơn vị trực thuộc gồm 20 đơn vị hành chính (như: Vụ Quản lý doanh nghiệp; Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế...) và 06 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ (như: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I; Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II...). Trong đó, Vụ Tổ chức cán bộ được tổ chức 06 phòng; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được tổ chức 05 phòng; Vụ Hợp tác quốc tế được tổ chức 04 phòng; Vụ Pháp chế được tổ chức Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y được được thành lập Chi cục.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều; quản lý, bảo vệ đê, hộ đê và sử dụng đê điều quy định tại Luật Đê điều và theo quy định của pháp luật; chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bố trí dân cư, di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện; bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, vùng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu; hướng dẫn việc vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, muối...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.

 

 

Doanh nghiệp:

XÁC ĐỊNH LẠI GIÁ TRỊ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT  KHI CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 20/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo đó, DN 100% vốn Nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN đối với những diện tích đất đã được giao, đã nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước hoặc diện tích đất đã nhận chuyển nhượng để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê. Trong đó, giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định. Trường hợp DN thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đã được giao thì phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích chuyển đổi.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá giá trị DN trong danh sách do Bộ Tài chính công bố đối với các gói thầu có giá trị không quá 03 tỷ đồng; trường hợp xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật. Đối với các gói thầu có tư vấn định giá có giá trị hơn 03 tỷ đồng, cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định.

Ngoài ra, DN cổ phần hóa cũng được điều chỉnh giá trị DN đã công bố khi có những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của DN hoặc sau 18 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị DN mà DN chưa thực hiện việc bán cổ phần (theo quy định cũ là 12 tháng), ngoại trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014.

 

 

Đất đai-Nhà ở:

CƠ CHẾ HỖ TRỢ, ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Ngày 20/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; theo đó, từ ngày 10/01/2014, các Dự án phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư...

Cụ thể, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được phê duyệt; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành; được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó...

Đặc biệt, chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại, kể cả nhà ở thương mại tầng cao hoặc thấp tầng nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư. Trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014.

 

 

Thương mại:

CẤM SỬ DỤNG HÌNH ẢNH NGƯỜI BỆNH TRONG QUẢNG CÁO THUỐC

Cấm sử dụng hình ảnh người bệnh; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc và sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá trong quảng cáo thuốc là nội dung quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo.

Ngoài ra, nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với Giấy phép lưu hành tại Việt Nam, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt, chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận và phải có các nội dung sau: Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam; tên hoạt chất của thuốc; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt; khuyến cáo “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” và chỉ định của thuốc, trừ các chỉ định điều trị bệnh lao, phong; chỉ định điều trị bệnh ung thư, khối u; chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên; chỉ định bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác...

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo và gửi báo cáo định kỳ 06 tháng/lần hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt trụ sở chính.

Nghị định này thay thế Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/03/2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

GIÁ ĐIỆN ĐƯỢC TĂNG TỐI THIỂU TỪ 7%

Giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành là nội dung tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 02 lần liên tiếp tối thiểu là 06 tháng.

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án giá bán điện trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính; căn cứ kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm tài chính theo quy định của pháp luật, tình hình sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn và tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương chủ trì xem xét phương án giá bán điện bình quân.

Cụ thể, nếu xét thấy giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014.

 

 

Thông tin-Truyền thông:

QUY HOẠCH PHỔ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN QUỐC GIA

Nhằm quy định việc phân chia phổ tần số vô tuyến điện thành các băng tần dành cho các nghiệp vụ vô tuyến điện và quy định mục đích, điều kiện để sử dụng đối với từng băng tần, ngày 21/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là cơ sở để các Bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân định hướng trong các hoạt động nghiên cứu và sản xuất, nhập khẩu, lắp đặt và khai thác các thiết bị vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam (trừ trường hợp thiết bị thuộc diện tạm nhập, tái xuất; thiết bị để giới thiệu công nghệ trong triển lãm, hội chợ) phải bảo đảm thiết bị có băng tần hoạt động và các tính năng kỹ thuật phù hợp với nghiệp vụ vô tuyến điện và điều kiện sử dụng được quy định trong Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia…

Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, nghiệp vụ vô tuyến điện, điều kiện sử dụng quy định cho băng tần trong Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định khác về tần số vô tuyến điện; trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện từ trước Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia có hiệu lực mà không còn phù hợp với Quy hoạch thì cần phải thực hiện chuyển đổi theo quy định hiện hành của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2014 và thay thế Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009./.

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan