Môi trường kinh doanh

Vào TPP, nhóm hàng Việt nào lập tức hưởng thuế suất 0%?

 Bộ Tài chính vừa cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi vào TPP sẽ hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bộ Tài chính vừa cho biết, theo Hiệp định TPP, các nước TPP cam kết mở cửa khá cao dành cho Việt Nam. Xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan... 
Nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt  Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Nhiều hàng Việt sẽ lập tức hưởng thuế suất 0% ngay khi TPP hiệu lực (Ảnh minh họa:KT)
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cam kết với các nước thành viên TPP về: thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, dịch vụ tài chính và hải quan.
65% dòng thuế nhập khẩu lập tức về 0% khi TPP hiệu lực
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử …
Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4:  gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử…
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 6 gồm: dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su..
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 gồm: bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô,  bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng…
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11 gồm: thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ô tô, phôi thép, săm lốp…
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình
Trong lĩnh vực hải quan, Hiệp định TPP đưa ra các quy định về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, Hiệp định TPP quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Về dịch vụ tài chính, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa (dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ; tăng cường minh bạch hoá; bảo hộ đầu tư (cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả); cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định thận trọng.
Hiện nay, các thành viên TPP đang hoàn tất các công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.
Là thành viên tham gia Hiệp định TPP có tiêu chuẩn cao, toàn diện, Việt Nam sẽ có cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm./.
                                                                          Xuân Thân/VOV.VN

Tin tức liên quan