Doanh nhân & Doanh nghiệp

Hưởng ứng năm doanh nghiệp 2016: Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh Thừa Thiên Huế cùng doanh nghiệp trong Tỉnh chuẩn bị bước vào " Sân chơi lớn"

 Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò và vị trí của DN và doanh nhân trong tỉnh ngày càng được khẳng định. Việc nước ta đã và đang ký kết nhiều Hiệp định thương mại tư do với các khu vực và các nước lớn trên thế giới như EU, Hàn Quốc, các nước khối hợp tác Á- Âu, các nước trong Công đồng Kinh tế ASEAN (AEC)...và mới đây đã ký văn kiện kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán của 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra cơ hội lớn cho nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng DN trong nước nói chung và DN, doanh nhân Thừa Thiên Huế nói riêng. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các doanh nghiệp, doanh nhân trong toàn tỉnh mà còn là cầu nối giúp các DN mở rộng quan hệ giao thương quốc tế trong tiến trình hội nhập.

 
Trong năm 2015 tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp trong tỉnh đã nổ lực vượt khó để ổn định và phát triển SXKD, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế chung của tỉnh như:tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng khoảng 9,03% cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, bằng mức tăng của cùng kỳ 2014; khu vực dịch vụ tăng 9,97% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, tăng 7,17%, trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may chiếm 64% tương ứng 435 triệu đô và mặt hàng xơ sợi dệt các loại với 109,8 triệu đô, tiếp đến mặt hàng gỗ và thuỷ sản cũng là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao lần lượt là 67 triệu đô và 37 triệu đô. Đến đầu tháng 12/2015, thu ngân sách ước đạt 5.010 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đóng trên địa bàn có số thu đạt tỷ lệ cao nhất, gần 100% kế hoạch, tương đương 214,5 tỷ đồng và tăng 52,6% so cùng kỳ. Khoản thu này tăng cao là nhờ các doanh nghiệp như Công ty CP Thủy điện miền Trung, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư FoCo nộp ngân sách tăng cao so với cùng kỳ, trong đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế có số nộp tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2014; Đáng chú ý là lĩnh vực doanh nghiệp FDI năm nay có số thu đạt tốt, hơn 1.430 tỷ đồng. Chủ lực cho nguồn thu này vẫn là Công ty Bia Huế. Đến 31/10, Công ty Bia Huế đã nộp vào ngân sách Nhà nước tỉnh 1.015 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng đóng góp nguồn thu đáng kể, với hơn 664 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015 có thêm 738 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 6,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên gần 5.900 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký mới đạt 1.752,5 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đã cấp mới 30 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 14.142 tỷ tăng gấp 4 lần về tổng số vốn so với năm 2014. Trong tổng số các dự án, có 9 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 9.806 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực lên 87 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.320 triệu USD, tổng vốn thực hiện trên địa bàn đạt 799,8 triệu USD, chiếm 34,47% trong tổng vốn đầu tư đăng ký). Tổng nguồn vốn huy động trong hệ thống các ngân hàng của tỉnh ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay ước đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm. Vốn vay tập trung ở các doanh nghiệp xây dựng, nông nghiệp nông thôn, giao thông vận tải, kho bãi, hoạt động tài chính...cho thấy doanh nghiệp trong tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi trong đầu tư SXKD.  Một số doanh nghiệp đã có sự, hợp tác, liên kết tạo ra chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra, nhằm vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh…Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh cũng từng bước trưởng thành, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân được khẳng định trong tiến trình phát triển của tỉnh. Nhiều doanh nhân trong tỉnh đã tích cực xoay xở, thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình SXKD để tìm lối ra trong khủng hoảng.
Tuy vậy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh vẫn còn nhỏ cả về số lượng và chất lượng, chưa ngang tầm với khu vực và trong nước. Năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh có 5.900 DN đăng ký kinh doanh, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp lớn (có vốn trên 100 tỷ) chỉ 1%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn dưới 100 tỷ) 54%, doanh nghiệp siêu nhỏ (vốn dưới 1 tỷ) 45% . Vẫn còn nhiều lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có tăng trưởng thấp so với chỉ tiêu đề ra như: Công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá trở lại nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định nhất là các sản phẩm xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng khá lớn bởi lượt khách quốc tế đến Việt Nam giảm và chưa tạo được các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Dệt may chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (gần 80%), nhưng gia công vẫn là hình thức chủ yếu. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh như bia, xi măng chịu sự cạnh tranh gay gắt và bị thu hẹp thị trường tiêu thụ...Thực trạng đó đòi hỏi đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới nhằm đáp ứng với kỳ vọng của tỉnh là lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò và vị trí của DN và doanh nhân trong tỉnh ngày càng được khẳng định. Việc nước ta đã và đang ký kết nhiều Hiệp định thương mại tư do với các khu vực và các nước lớn trên thế giới như EU, Hàn Quốc, Nga, các nước khối hợp tác Á- Âu, các nước trong Công đồng Kinh tế ASEAN (AEC)...và mới đây đã ký văn kiện kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán của 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra cơ hội lớn cho nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng DN trong nước nói chung và DN, doanh nhân Thừa Thiên Huế nói riêng.
Riêng đối với Hiệp định TPP có các nội dung thỏa thuận rất phong phú gồm 30 chương, thiết lập các quy tắc thương mại trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng, hợp tác, giải quyết tranh chấp thương mại…Trong đó mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho nước ta phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế lớn của quốc tế đều có chung sự  khẳng định Việt Nam sẽ là “quốc gia hưởng lợi rõ ràng nhất từ TPP trong dài hạn”.
Theo thỏa thuận chung trong Hiệp định TPP, các nước tham gia TPP cam kết sẽ mở cửa khá cao dành cho Việt Nam. Xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan...Nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt  Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…Trong lĩnh vực hải quan, Hiệp định TPP đưa ra các quy định về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa...Ngoài ra, Hiệp định TPP còn quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Về dịch vụ tài chính, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa (dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ; tăng cường minh bạch hoá; bảo hộ đầu tư (cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả); cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định thận trọng. Hiện nay, các thành viên TPP đang hoàn tất các công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.
Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam. Là thành viên tham gia Hiệp định TPP có tiêu chuẩn cao, toàn diện, Việt Nam sẽ có cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm./.
HOẠT ĐỘNG CỦA HHDN TỈNH NHẰM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THAM GIA HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên nắm rõ nội dung các Hiệp định thương mại tự do giữa nước ta với các nước đã ký kết hoặc chuẩn bị ký kết, giúp doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện mở rộng quan hệ giao thương quốc tế, Hiệp Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và thông tin chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế. Những hoạt động cụ thể là:
+ Trong năm 2015 đã tổ chức 2 Hội thảo phổ biến những thông tin chuyên đề về AEC và TPP kết hợp cung cấp đầy đủ các tài liệu về AEC và TPP cho hơn 300 doanh nghiệp hội viên và một số doanh nghiệp khác.
+ Phối hợp VCCI Đà Nẵng và Đại sứ quán các nước liên quan tổ chức cho doanh nghiệp hội viên tham dự 2 Hội nghị xúc tiến thương mại với Nam Phi và các nước Nam Mỹ (có hơn 100 doanh nghiệp đã tham dự các sự kiện này).
+ Phối hợp Sở KH&ĐT tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư của Thái Lan vào tỉnh Thừa Thiên Huế (40 doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến của tỉnh với Thái Lan) kết hợp tham gia các chuyến bay Bangkok- Phú Bài theo hình thức Chater.
+ Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của Văn phòng UBND tỉnh tổ chức cho một số doanh nghiệp tham gia Đoàn của tỉnh đi dự hoạt động kết nối giao thương với tỉnh Kanagawa của Nhật Bản. Phối hợp VCCI Đà Nẵng và Cty lữ hành tổ chức các tour du lịch kết hợp khảo sát thị trường cho hội viên có nhu cầu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hồng Kông...
 + Tổ chức cho 20 doanh nghiệp hội viên tham gia hội nghị kết nối doanh nghiệp toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế và ký kết hợp tác giữa Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng và Tỉnh Quảng Nam do Hiệp Hội DNNVV Việt Nam tổ chức trong  tháng 8/2015 tại Thành phố Đà Nẵng, có hơn 200 doanh nghiệp và gần 30 Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự. Sau các cuộc hội thảo chung và riêng cho các Hiệp Hội và cho các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các hoạt động kết nối giao thương hàng hóa nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của nhau.
+ Đại diện lãnh đạo Hiệp Hội tham dự các Hội thảo của VCCI  tổ chức ở Miền Trung về: “Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới” kết hợp giao ban Hiệp Hội và doanh nghiệp các tỉnh Miền Trung. Sau Hội thảo, Hiệp Hội đã sử dụng trang Web của Hiệp Hội để giới thiệu những nội dung chính mà Doanh nghiệp trong tỉnh  cần biết trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế như: Nội dung “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU), AEC, TPP...
+ Tổ chức thông báo đến các doanh nghiệp hội viên về sự ra đời của cổng thông tin điện tử http://smartex.com.vngọi tắt là SMARTEX. Đây là kênh thông tin quan trọng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp ở 11 tỉnh thành tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đến với các đối tác nước ngoài cũng như liên kết trong nước và được giới thiệu chính thức trong các hội nghị Quốc tế của Ủy Ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), các đối tác Ấn Độ, Thụy Sĩ....Hiệp hội đã tích cực tham gia kết nối trang Web của Hiệp hội với cổng thông tin Smartex để có điều kiện quảng bá thông tin và tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp.  Cử  chuyên viên về công nghệ thông tin của Văn phòng Hiệp Hội liên lạc với VCCI Đà Nẵng nhằm phối hợp tham gia các hoạt động kết nối với SMARTEX.
+ Một số hoạt động khác: Đại diện lãnh đạo Hiệp Hội đi dự Đại hội Doanh nghiệp Việt-Thái tại Udon, Thái Lan; cử  các Đoàn Doanh nghiệp hội viên dự Hội chợ thời trang may mặc ở Hồng Kông, Hội chợ Viêng Chăn Export, dự các Lễ hội thời trang ở Malaysia, Thượng Hải. Chủ tịch Hiệp hội và 1 Doanh nghiệp tham gia Đoàn của tỉnh dự kết nối giao thương ở tỉnh Kanagawa Nhật Bản; tham gia các hội chợ ở Lào Khỏn Kèn (Thái Lan), vận động hơn 100 cán bộ doanh nghiệp tham gia các chuyến bay Huế BangKok, 40 DN hội viên dự Hội nghị đầu tư của Thái Lan vào tỉnh TT Huế...
+ Lãnh đạo Hiệp hội đã tham dự các Diễn đàn truyền hình trên HVTV và TRT về chuyên để: Hội nhập kinh tế quốc tế, TPP, AEC và xúc tiến đầu tư vào tỉnh TTH.
+ Trong tháng  9 và 10/2015, ngoài chuyến đi của Chủ tịch hiệp Hội tham gia Đoàn của tỉnh dự các hoạt động giao lưu kết nối giao thương giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Kanagawa của Nhật Bản nhằm tìm cơ hội hợp tác, đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức một số hoạt động đối ngoại nhằm mở rộng hợp tác quốc tế; nhận lời mời của Hiệp Hội Doanh nhân Thái-Việt Nam, từ ngày 16-18/10/2015, Hiệp Hội DN tỉnh đã cử Ông Lê Minh Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp Hội đi dự Đại hội lần thứ 2 của Hiệp Hội Doanh nhân Thailand-Viet Nam và tham gia các hoạt động kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Thái Lan tại tỉnh Udon-Ratchathani (Thái Lan). Bên cạnh đó, HHDN cũng tích phối hợp với Sở Công thương tổ chức cho 3 doanh nghiệp hội viên đang có quan hệ hợp tác SXKD tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan là Xí nghiệp Thành Lợi, Công ty CP Vật tư nông nghiệp và Công ty Phú Đạt Gia tham gia các hoạt động hội thảo, hội chợ kết nối doanh nghiệp ASEAN tổ chức tại Viên Chăn (Lào). Liên tục giới thiệu một số hội viên ngành may mặc, thiết kế thời trang tham gia các sự kiện diễn thời trang và giới thiệu các bộ sưu tập thời trang áo dài Huế tại Malaysia, Thượng Hải (Trung Quốc); tổ chức cho 200 doanh nghiệp hội viên nghe giới thiệu về Công đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hiệp Hội còn tổ chức một Hội thảo lớn vào ngày 14/11/2015, mời Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng vào Huế trực tiếp phổ biến về TPP và những lộ trình, cam kết của VN khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cho hơn 300 doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế. Đây là những hoạt động rất thiết thực cho Hiệp Hội cũng như cho các doanh nghiệp trong tỉnh, mở ra cơ hội kết nối trao đổi, giao lưu, hợp tác của cộng đồng các doanh nghiệp chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 và khi nước ta tham gia ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các Hiệp định tự do thương mại với các đối tác khác.
Ngoài ra, Hiệp Hội cũng đã tham gia cùng với tỉnh trong các hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế để rà soát, đánh giá tình hình thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh sau khi nước ta gia nhập WTO.
   Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập
Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò và vị trí của DN và doanh nhân ngày càng được khẳng định. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết đã mở ra cơ hội lớn cho nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng DN trong nước nói chung và DN, doanh nhân Thừa Thiên Huế nói riêng.
Để chuẩn bị hành trang cho các DN khi ra “biển lớn”, HHDN tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị chuyên đề, diễn đàn thông tin kinh tế, hội thảo nhằm giúp DN có định hướng đúng trong quản trị DN thời hội nhập; nhất là thông tin “nóng” về những cam kết của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN; lộ trình các cam kết của nước ta khi gia nhập WTO; nội dung chính của các Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc... cho toàn thể DN hội viên Hiệp hội phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Đại sứ quán các nước liên quan tổ chức cho DN hội Hiệp hội viên tham dự hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư với Thái Lan, Nhật Bản, Nam Phi và các nước Nam Mỹ; phối hợp ký thỏa thuận hợp tác với các HHDN của Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản...  
Giám đốc CT TNHH Thiên Hương Hồ Thị Hoa cho biết: “Những thách thức mà DN phải đối mặt trong hội nhập rất lớn, nhưng bằng sự nỗ lực của DN và những hỗ trợ thiết thực của Hiệp hội, chúng tôi sẽ cố gắng để sản phẩm của mình không chỉ “đứng chân” được ở trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Chủ tịch HHDN tỉnh Nguyễn Mậu Chi cho rằng, hội nhập chính là “cuộc chơi” của các DN. Vì vậy, chia sẻ khó khăn và tìm các biện pháp hỗ trợ DN HV là mối quan tâm chính của Hiệp hội. Nhất là tăng cường hỗ trợ trong SXKD cho các DN trong “sân chơi” lớn này.
NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA HIỆP HỘI TRONG “NĂM DOANH NGHIỆP” 2016
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Hiệp Hội và với lợi thế có sẵn mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có 350 doanh nghiệp hội viên, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, nhất là với Sở Kế hoach và Đầu tư, Sở Công thương, Sở ngoại vụ, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải Quan... để tập trung hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong SXKD thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực thương mại điện tử, giảm thời gian nộp thuế, thông quan..., giúp doanh nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển SXKD.
Vì vậy trong năm 2016,Hiệp Hội tập trung tổ chức thực hiện 4 chương trình hoạt động trọng tâm trong năm 2016.
1-Thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản trị Hiệp Hội và tập trung thực hiện chức năng tư vấn hỗ trợ, phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp trên các lĩnh vực doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ, đặc biệt là các hoạt động thông tin hội nhập kinh tế quốc tế và các dịch vụ xúc tiến thương mại.
 
2- Vận động khởi nghiệp: Hiệp Hội chủ động phối hợp với Sở KH&ĐT, Trường Đại học kinh tế và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình KHỞI NGHIỆP trong phạm vi toàn tỉnh.  Tích cực triển khai vận động, hỗ trợ, giúp đỡ đội ngũ sinh viên ra trường và những người có nhu cầu khởi nghiệp xúc tiến các thủ tục, dự án thành lập doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2016 và các năm tiếp theo mỗi năm tăng thêm 20% số doanh nghiệp thành lập mới.
 
3- Tích cực tham gia các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư của tỉnh. Chủ động phối hợp phát động “Cuộc vận động thực hiện “”Nụ cười công chức” trong CBCNVC của các cơ quan quản lý nhà nước”.
4- Thành lập Công ty CP của Hiệp Hội trong lĩnh vực Thương mại- Dịch vụ nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ các doanh nghiệp hội viên, giúp giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và cung ứng cho các nhu cầu của xã hội.
Một số kiến nghị của Hiệp Hội với tỉnh:
1-Đầu năm, Hiệp Hội xin đăng ký buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Hiệp Hội với Lãnh đạo UBND tỉnh. Mục đích: Xây dựng vai trò đại diện cuả Hiệp Hội đối với DN để tham gia các hoạt động NĂM DOANH NGHIỆP theo chủ trương của tỉnh. Báo cáo các dự án của Hiệp Hội về Khởi nghiệp, về thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và Công ty của Hiệp Hội trong lĩnh vực Thương mại- Dịch vụ nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ các doanh nghiệp hội viên, giúp giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và cung ứng cho các nhu cầu của xã hội.
2- Chỉ số PCI của tỉnh năm 2013 xếp vị thứ 2 toàn quốc, năm 2014 xếp thứ 13 và vẫn ở trong nhóm tỉnh có chỉ số tốt. Dấu hiệu lạc quan đó thể hiện những cam kết thay đổi về môi trường đầu tư của tỉnh đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chính thức đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế đến năm 2015, vốn đầu tư từ doanh nghiệp và vốn đầu tư FDI vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các thông tin về đất đai và quy hoạch và đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh đó là kết nối thông tin giữa các đơn vị tham gia vào quy trình đầu tư còn thiếu chặt chẽ, đề nghị Tỉnh cần chú trọng công tác lập quy hoạch. Một quy hoạch mới được lập hay bổ sung, điều chỉnh cần có sự rà soát kỹ lưỡng cho phù hợp với các quy hoạch khác trên cùng phạm vi lập quy hoạch, nếu có sự chưa phù hợp cần xem xét bổ sung điều chỉnh kịp thời. Công tác lập, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh quy hoạch là công tác của các cơ quan chức năng do đó cần chủ động thực hiện tránh gây mất thời gian cho nhà đầu tư.
 Sở KH&ĐT cần có kế hoạch định kỳ phối hợp với HHDN tỉnh tổ chức các đợt khảo sát lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm phản ảnh về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh phục vụ việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đồng thời phối hợp Hiệp Hội triển khai thành công Cuộc vận động xây dựng Nụ cười Công chức trong các cơ quan Nhà nước..
 3- Tăng cường các hoạt động thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện kết nối giao thương, tìm kiếm, mở rộng thị trường các nước trong khu vực ASEAN và các nước đã có Hiệp định thương mại tự do với nước ta.
4- Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh rất mong được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, Sở Nội vụ và Sở  Kế hoạch và Đầu tư trong việc cho phép hành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản trị Hiệp Hội và tập trung thực hiện chức năng tư vấn hỗ trợ, phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp trên các lĩnh vực doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ..
5- Đề nghị tỉnh và các Sở chuyên ngành có kế hoạch xây dựng, ban hành Chương trình vận động khởi nghiệp và tổ chức thực hiện Chương trình KHỞI NGHIỆP trong phạm vi toàn tỉnh nhằm nâng cao số lượng doanh nghiệp hàng năm
                                              HIỆP HỘI DN TỈNH TTH

Tin tức liên quan