Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam có “Ngày Văn hóa doanh nghiệp”. Bên cạnh thành tựu, đóng góp về phát triển kinh tế của các doanh nghiệp, yếu tố văn hóa doanh nghiệp cũng thực sự được coi trọng. Đây là tài sản vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp, cũng là hình ảnh thương hiệu của quốc gia.
Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp mới ra đời ngày càng nhiều hơn, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết. Vậy, văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng như thế nào để tạo nên thành công và phát triển bền vững?
Văn hóa doanh nghiệp bao gồm cả văn hóa kinh doanh, ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.
Nói đến văn hóa doanh nghiệp, nhiều người sẽ nghĩ đến văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa lãnh đạo và các nhân viên, giữa doanh nghiệp với đối tác hay các hoạt động văn hóa, từ thiện, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động…Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố bề nổi. Văn hóa doanh nghiệp còn bao gồm cả văn hóa kinh doanh, được xây dựng dựa trên triết lý, chiến lược kinh doanh, ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam chia sẻ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Văn hóa ấy thể hiện từ việc tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo, cho đến phong cách ứng xử với đối tác, với khách hàng. Đặc biệt, là luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, thể hiện từ trong nội bộ doanh nghiệp đến ngoài thị trường, đưa ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Doanh nghiệp làm trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thực phẩm phải đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc, sản phẩm rõ ràng, giúp cho uy tín của doanh nghiệp phát triển hơn. Lợi nhuận thì ai cũng quan tâm, nhưng tôi không đặt nó lên hàng đầu. Doanh nghiệp phát triển được, chất lượng hàng hóa tốt, đảm bảo thì doanh số tăng lên, lợi nhuận cũng sẽ tăng lên”, bà Hằng chia sẻ.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng nhanh chóng. Nhưng đi cùng với sự phát triển “nóng” cũng tồn tại nhiều hệ lụy. Không ít doanh nghiệp, doanh nhân còn xem nhẹ chữ “tín”, vi phạm pháp luật, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà sản xuất thực phẩm bẩn làm hại sức khỏe tiêu dùng hoặc lén lút xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Bên cạnh đó, xuất hiện những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng nhiều thủ đoạn để bôi xấu, hạ bệ nhau; nhiều cơ sở kinh doanh hàng nhái, hàng giả, chụp giật, lừa đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng…
Ông Trần Trọng Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh như vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thực sự cần thiết không chỉ vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp mà còn vì nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những chuẩn mực kinh doanh nhất định như hàng hóa phải đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng, không được gây ô nhiễm môi trường, ngay cả trách nhiệm hậu mãi với người tiêu dùng cũng phải được thực hiện nghiêm túc.
Việc Tập đoàn Honda của Nhật Bản thu hồi hàng triệu xe bị lỗi, hay Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc thu hồi 12.600 điện thoại Galaxy Note 7 tại Việt Nam bị lỗi pin gây cháy nổ vừa qua là những ví dụ điển hình cho thấy những doanh nghiệp này coi phát triển bền vững, ứng xử văn minh với người tiêu dùng. Đó là triết lý kinh doanh và là yếu tố quyết định thành bại trên thương trường.
“Văn hóa doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong cộng đồng doanh nghiệp ai cũng cạnh tranh bằng vốn, chiến lược kinh doanh, năng suất, chất lượng. Những doanh nghiệp xây dựng được văn hóa doanh nghiệp tốt thì sẽ thắng trong cạnh tranh. Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vừa hiện đại đuổi kịp thế giới cũng vừa phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn, quá trình hội nhập quốc tế sẽ thuận lợi hơn”, ông Toàn nêu rõ.
Để khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ngày 10/11 hàng năm được chọn là “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho thấy những quyết tâm tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp.
Ngay lễ phát động này, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng bộ quy chế, tiêu chí cụ thể về văn hóa doanh nghiệp, dựa trên những chuẩn mực chung của thế giới, cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trở thành tiêu chí quốc gia và xét tặng danh hiệu giải thưởng.
Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, việc xét tặng danh hiệu sẽ phải thực hiện công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước cũng sẽ giám sát chặt chẽ, thậm chí sẽ có chế tài tước bỏ danh hiệu nếu doanh nghiệp vi phạm.
“Doanh nghiệp được công nhận danh hiệu này phải đáp ứng các chuẩn mực và có giá trị lan tỏa ra cộng đồng. Không thể có doanh nghiệp đủ hết chuẩn mực nhưng lại làm phương hại cộng đồng. Bộ Công Thương đang phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy chuẩn văn hóa. Sau này đề nghị hội đồng đánh giá cần có tiếng nói doanh nghiệp. Hội đồng xét duyệt dự kiến đưa ra công khai các doanh nghiệp được xét tặng, như vậy mới có tính lan tỏa”, ông Tuất đề xuất.
Chưa bao giờ, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam lại mạnh mẽ như hiện nay. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, tức là tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đã và đang tham gia nhiều hiệp định kinh tế quốc tế đa phương, song phương. Yếu tố văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tạo dựng một nền tảng bền vững, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín, thương hiệu, khẳng định mình và tự tin hơn, vững vàng hơn trong hội nhập./.
Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin