Doanh nhân & Doanh nghiệp

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

 Những năm qua, với sự quan tâm của Tỉnh, nhất là từ năm 2016, Tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách và giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo chủ đề "Năm doanh nghiệp". Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

 

Các doanh nghiệp tiêu biểu nhận cờ thi đua xuất sắc năm 2016 của UBND tỉnh
Các doanh nghiệp tiêu biểu nhận cờ thi đua xuất sắc năm 2016 của UBND tỉnh
 
Định hướng và giải pháp hỗ trợ DN phát triển
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.500 DN đăng ký kinh doanh, trong đó trên 70% số DN đang hoạt động. Riêng, 9 tháng đầu năm 2017, có 491 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký điều lệ hơn 4.800 tỷ đồng, gấp 2,07 lần về vốn. Không chỉ  tăng về số lượng, đội ngũ doanh nhân, DN của tỉnh có bước trưởng thành, ngày càng khẳng định vị thế là lực lượng chủ yếu trong tạo lập và phát triển các mô hình SXKD mới, cộng đồng DN cũng là lực lượng chủ lực đóng góp vào giá trị xuất khẩu và tổng thu ngân sách của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2017, các DN đã nộp ngân sách gần 2.800 tỷ, trong tổng thu ngân sách ước đạt 5.048,9 tỷ đồng của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu của các DN ước đạt 588,57 triệu USD.
Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng DN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, cùng với ban hành nhiều chính sách ưu đãi, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, định hướng và giải pháp hỗ trợ DN phát triển, nhất là đối với những DN gặp khó khăn và DN mới khởi nghiệp. Việc thường xuyên triển khai chương trình Cafe doanh nhân định kỳ (2 tháng/lần) theo từng chuyên đề không chỉ thông tin kịp thời cho cộng đồng DN về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong kỳ và định hướng phát triển trong những tháng, năm tiếp theo; công bố danh mục kêu gọi đầu tư, ưu đãi đầu tư, các dự án thu hồi để các doanh nghiệp tìm hiểu đăng ký đầu tư...mà còn là dịp để Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành liên quan lắng nghe tâm tư của cộng đồng DN và giải quyết, tháo gỡ rất nhiều ý kiến, vướng mắc của DN về thuế, tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, về kinh doanh các ngành nghề có điều kiện và những khó khăn trong tiếp cận công nghệ...
Nhờ đó, các DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu nắm bắt được xu hướng phát triển để đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh (SXKD) phù hợp. Nhiều DN đã có sức bật mới, tạo lòng tin trong liên kết, hợp tác, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra, cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào…nhất là đã chú trọng hơn vào chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Phát huy vai trò cầu nối, liên kết
Hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có 350 DN hội viên và gần 300 hội viên của các hội cơ sở trực thuộc. Với chức năng và vai trò của mình, từ khi thành lập đến nay (tháng 11/2006), Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trong đó, Hiệp hội tích cực phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho DN trong SXKD, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực thương mại điện tử, giảm thời gian nộp thuế, thông quan... Phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế; thông tin các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và vận động các DN tham gia.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho hay: trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các DN phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Vì thế, Hiệp hội đã kịp thời xúc tiến các hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DN. Trong đó, đã tổ chức khóa đào tạo Giám đốc điều hành tại Huế, các lớp huấn luyện quản trị doanh nghiệp, ký biên bản hợp tác về chương trình đào tạo tại DN và các hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp với Trường đại học Kinh tế Huế. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với VCCI Đà Nẵng và Câu lạc bộ CEO Huế tổ chức Khóa đào tạo CEO6 tại Huế cho 51 CEO của các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Anh ngữ AMA tổ chức khóa tập huấn: “Kỹ năng quản lý cảm xúc - tự lãnh đạo cá nhân trong cải thiện cộng đồng”.
Để nâng cao vai trò cũng như phát huy hiệu quả hơn nữa trong hoạt động của mình, thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ KH&CN tổ chức khóa “Đào tạo về quản trị doanh nghiệp" cho các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế theo Chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 - 2018 của Bộ Kế hoạch &ĐT và Bộ KH&CN. Phối hợp VCCI Đà Nẵng và các Trung tâm đào tạo trong tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề về quản trị doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp và pháp luật lao động cho doanh nghiệp hội viên. Hiệp hội cũng sẽ triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực hơn nữa, nhất là làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nhân, doanh nghiệp với tỉnh, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho sự phát triển của DN. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Dương Tuấn Anh chiết biết thêm.

 

Theo www.thuathienhue.gov.vn

Tin tức liên quan