Diễn đàn VCSF 2017 được tổ chức bởi Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) và nâng cao năng lực cạnh tranh (NCNLCT) năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối với Hội đồng quốc gia về PTBV và NCNLCT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Được biết, Hội nghị cũng sẽ đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia.
Những kiến nghị từ Hội nghị sẽ là tiền đề xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và kế hoạch hành động của khu vực kinh tế tư nhân trong việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu ngày một rõ nét trên toàn thế giới.
Theo đó, Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các Bộ ban ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, các đại biểu sẽ cập nhật và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững, cũng như các sáng kiến và thực hiện tốt về kinh doanh bền vững. Ngoài ra, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hướng tới việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Năm 2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030. Với cột mốc lịch sử mang tính bước ngoặt này, phát triển bền vững đã chính thức không còn là câu chuyện của những nước phát triển mà đã trở thành kim chỉ nam và là con đường duy nhất cho sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Với nhận thức sâu sắc đó, Chính phủ Việt Nam đã gấp rút xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Nghị sự 2030 tại Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là việc địa phương hoá các SDGs (V-SDGs) sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này. Nỗ lực cần đến từ tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể là thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo, có tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô, có thể đo lường hiệu quả, có thể nhân rộng và vượt qua khỏi hình thức kinh doanh thông thường.
Theo Ngọc Hà(báo DĐ DN)