Đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Sản xuất và tiêu thụ bia đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thị trường tiêu thụ ổn định và tăng trưởng trở lại. Đối với dệt may, với việc đưa vào hoạt động nhà máy may Sơn Hà công suất 15 triệu sp/năm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường tiêu thụ xi măng được mở rộng và tiêu thụ tốt tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Chế biến thủy, hải sản đạt tốc độ tăng mạnh nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc) đã thuận lợi hơn.
Hiện nay có nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã hoàn thành, đang trong quá trình chạy thử, dự kiến đưa vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm, góp phần tạo năng lực tăng thêm như: Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granit của Công ty Vitto Phú Lộc (công suất 7,2 triệu m2/năm, vốn đầu tư 610,9 tỷ đồng); giai đoạn 2 - Dự án sản xuất lon nhôm 02 mảnh của Công ty TNHH Baosteel Can Making Huế VN, nhà máy may 4 của Công ty CP Dệt may Huế tại KCN Phú Đa...
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy KCN Phú Bài bình quân các giai đoạn đạt 30% (giai đoạn I và II đạt 98,5%, giai đoạn IV – đợt 1 đạt 8,9%); KCN Phong Điền bình quân đạt 17,23% (khu A 33%, khu B và khu B mở rộng đạt 74%); KCN La Sơn đạt 20,9%; KCN Tứ Hạ đạt 1,2%; KCN Phú Đa đạt 21,7%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn khu kinh tế và khu công nghiệp ngày càng đóng góp quan trọng cho cả tỉnh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.700 tỷ đồng, chiếm 60% GTSXCN của tỉnh; nộp ngân sách 1.070 tỷ đồng, tăng 6%; giá trị xuất khẩu 326 triệu USD, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.