Thư viện pháp luật chung

Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp

 Ngày 25/4/2019, Chính phủ đã  ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2019 và thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

 
Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp, Nghị định này đã điều chỉnh bãi bỏ một số hành vi không phù hợp với thực tiễn; đồng thời, bổ sung một số điểm mới để thích hợp với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối tượng áp dụng được quy định mở rộng, rõ ràng hơn: Tại Điều 2 của Nghị định quy định về dối tượng áp dụng là đối với cá nhân, tổ chức trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên lãnh thổ nước Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, “tổ chức” được quy định rõ gồm: Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp.             
Thứ hai, một số hành vi mới được điều chỉnh quy định tại Nghị định này  gồm: Vi phạm các quy định về quản lý rừng bền vững; Vi phạm quy định về  kinh doanh giống cấy lâm nghiệp chính; Vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thứ ba, tăng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật:
Theo Nghị định, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng.
Nghị định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để răn đe, phòng ngừa chung đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, cụ thể: Hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất đối với gỗ loài thông thường: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 01 m3gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,5 mgỗ rừng tự nhiên;… Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 đến dưới 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 07 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng tự nhiên (điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,4 m3 gỗ rừng tự nhiên;… Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 mgỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên (điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3; phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 mđến dưới 0,5 m3;… Phạt tiền từ 75.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,7 m3 đến dưới 01 m3 (điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Cùng với đó, Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA; khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ.
Thứ tư, hành vi bóc vỏ, ken cây, khoan vào thân cây, băm gốc, đổ hóa chất hủy hoại gốc, rễ cây rừng làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển cây rừng thì mỗi cây thân gỗ có đường kính tại vị trí 1.3 trên 8 cm bị xâm hại xử phạt 100.000 đồng, nhưng không quá 200.000.000 đồng.
Thứ năm: Trường hợp vận chuyển lâm sản đã được xác định có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật người điều khiển phương tiện hoặc chủ lâm sản không xuất trình hồ sơ lâm sản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra cho người có thẩm quyền kiểm tra phương tiện vận chuyển thì bị xử phạt theo quy định.
Thứ sáu: Quy định rõ chủ lâm sản bị xử phạt về hành vi mua bán lâm sản theo quy định, trường hợp chủ lâm sản đồng thời là chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp phương tiện có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt hai hành vi: Vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua bán lâm sản trái pháp luật.
Thứ bảy: Nghị định định này bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lâm nghiệp cho Cảnh sát biển, Hải quan.
 
Thủy Hiền

Tin tức liên quan