Doanh nghiệp

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

 

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế và thách thức lớn đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp (DN).

Theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, trong quý I/2020, tổng số DN tạm ngừng hoạt động trên cả nước là 18.721 (tăng 24.8 % so với tổng số DN tạm ngừng hoạt động cùng kỳ năm 2019). Các DN khác, dù ít hay nhiều đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề mà hầu hết DN bị ảnh hưởng đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, bảo hiểm, lãi suất, nợ ngân hàng,…

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

1. Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Đây là chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 tại Công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020. Cụ thể, đối với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.

Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan): Giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.

Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt, giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

Đối với giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ, giảm 10% giá bán buôn điện so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

2. Miễn, giảm giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: Thực hiện quyết định số 973 /QĐ-UBND ngày 14/4/2020 của Chủ tịch UBND Tỉnh về việc miễn, giảm giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngày 17/4/2020, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 261/QĐ/HWS về việc giảm giá nước sạch phi sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chi tiết nội dung miễn, giảm như sau:

- Miễn tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; Các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 (bao gồm cả các khu cách ly tập trung là các cơ sở lưu trú được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập); Các cơ sở thực hiện hoạt động khám, chữa và điều trị bệnh dịch COVID-19.

- Giảm 10% giá nước sạch sinh hoạt cho các cá nhân, hộ gia đình có hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế.

- Giảm 10% giá nước cho các đối tượng khách hàng: sản xuất, kinh doanh dịch vụ

- Giảm 10% giá nước cho các cơ sở tôn giáo

- Giảm 20% giá nước cho các cơ sở, tổ chức nhân đạo

Thời hạn miễn, giảm được tính trong kỳ hóa đơn tháng 4, 5 và 6 năm 2020.

3. Được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội: Cụ thể, theo Công văn 797/LĐTBXH-BHXH ngày 09/3/2020, Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 thì các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được:

Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 6/2020. Trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì sẽ được xem xét tạm dừng đóng đến hết tháng 12/2020.

Hết thời hạn tạm dừng đóng, DN và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.

DN gặp khó khăn trong trường hợp này được xác định là các DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

4. Được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn: Theo hướng dẫn tại Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 thì DN có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và DN còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

5. Được hỗ trợ về thuế: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn; Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Công văn 897/TCT-QLN hướng dẫn trường hợp được gia hạn nộp thuế sau: “Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”. Hồ sơ, thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế được thực hiện theo khoản 3 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó có quy định:

- Về các đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

- Về trình tự thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

6. Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà:

- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; và

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

7. Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội: Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Như vậy, nếu DN gặp khó khăn về tài chính và đáp ứng điều kiện trên thì được hỗ trợ vay vốn với chính sách ưu đãi để thực hiện việc trả lương cho người lao động.

Hy vọng với sự đồng hành của Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành và toàn xã hội, DN sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh và ổn định sản xuất, kinh doanh; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động.

Doãn Quan (tổng hợp)

 


Tin tức liên quan