Thư viện pháp luật chung

Quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao...

BỘ TÀI CHÍNH

___________

Số 01/2011/TT-BTC

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2011

 

THÔNG TƯ

Quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hội có hoạt động

gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội;

quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho hội.

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Bộ Tài chính quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,  tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là các Hội) như  sau:

Điều 1. Những quy định chung

1. Kinh phí bảo đảm hoạt động của các Hội do các Hội tự bảo đảm theo quy định của Điều lệ hội và quy định của pháp luật.

2. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động của hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao theo quy định tại khoản 12, Điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

3. Đối với những chương trình, dự án, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Hội thực hiện theo các quyết định riêng thì thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Đối với hội phí của hội viên, các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác của hội được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều lệ hội.

5. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại các Hội:

a) Đối với tài sản nhà nước tại các Hội, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Điều 2 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

b) Đối với tài sản của các Hội thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của các Hội.

6. Về quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ:

a) Đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

b) Đối với các nguồn tài trợ, viện trợ không thuộc ngân sách nhà nước, việc quản lý và sử dụng theo Điều lệ hội.

Điều 2. Nội dung và nguyên tắc hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao

1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đối với các hoạt động được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương giao (đối với các Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao (đối với các Hội ở địa phương).

2. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ được quy định như sau:

a) Đối với các nhiệm vụ Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao hoặc do các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ủy thác cho các Hội thực hiện do ngân sách Trung ương đảm bảo.

b) Đối với các nhiệm vụ Nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao hoặc do các cơ quan ở địa phương ủy thác cho các Hội thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

3. Các Hội chủ động nghiên cứu chủ trương, đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; từ đó đề xuất và trình cấp có thẩm quyền việc tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, cung cấp dịch vụ công… phù hợp với quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động của Hội và năng lực của hội viên.

4. Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động tạo điều kiện, giao nhiệm vụ cho các Hội thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, cơ quan và địa phương mình; phù hợp với ngành, lĩnh vực hoạt động của Hội trong phạm vi quyền hạn và khả năng ngân sách của mình.

 5. Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và cơ quan chuyên môn ở địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện, xem xét các đề xuất thực hiện nhiệm vụ của Hội để có ý kiến (hoặc trình cấp có thẩm quyền) đồng ý bằng văn bản việc giao cho các Hội tham gia thực hiện toàn bộ hoặc một phần các nhiệm vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quy trình thực hiện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước

1. Trên cơ sở xác định nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ của Nhà nước và khả năng thực hiện, Hội đề xuất việc tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ công… dưới hình thức đề án (hoặc kế hoạch triển khai), gửi về Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (đối với các Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh), các Sở chuyên ngành (đối với các Hội ở địa phương) để được thẩm định về mặt nội dung, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

2. Sau khi có ý kiến thẩm định về nội dung thực hiện của các cơ quan quản lý chuyên ngành, Hội gửi hồ sơ đề xuất được nhận nhiệm vụ về các cơ quan sau để được xem xét, giao nhiệm vụ (kèm theo ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý chuyên ngành):

a) Gửi về Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.

b) Gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân các cấp để được xem xét, giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao.

c) Gửi về Bộ, cơ quan Trung ương, các cơ quan nhà nước ở địa phương để được xem xét, giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, thủ trưởng các cơ quan nhà nước ở địa phương ủy thác thực hiện.

3. Trên cơ sở ý kiến đồng ý giao nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 2 trên đây; Hội hoàn chỉnh đề án (hoặc kế hoạch triển khai); đồng thời xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện. Dự toán kinh phí thực hiện đề án (hoặc kế hoạch triển khai) phải căn cứ vào chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, có chi tiết tính toán cụ thể; trong đó xác định phần kinh phí do Hội tự bảo đảm, phần huy động từ các nguồn khác và phần kinh phí đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Toàn bộ hồ sơ (gồm có đề án, văn bản thẩm định nội dung, văn bản giao nhiệm vụ hoặc ủy thác thực hiện của cơ quan có thẩm quyền, dự toán kinh phí thực hiện), gửi về cơ quan tài chính để thẩm định giao dự toán kinh phí (hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán kinh phí) để Hội tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

a) Gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định đối với những nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.

b) Gửi về cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định đối với những nhiệm vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao.

c) Gửi về Bộ, cơ quan Trung ương, cơ quan nhà nước ở địa phương trực tiếp giao nhiệm vụ để Hội thực hiện đối với các nhiệm vụ do Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan Trung ương, thủ trưởng các cơ quan nhà nước ở địa phương ủy thác thực hiện.

4. Đối với việc thực hiện các chương trình, dự án kéo dài nhiều năm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì từ năm thứ 2 trở đi, các Hội xây dựng dự toán kinh phí cần thiết được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, gửi cơ quan quản lý lĩnh vực cùng cấp để tham gia ý kiến trước khi gửi về cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định, tổng hợp chung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Đối với các nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền chủ động giao hoặc ủy thác cho Hội thực hiện: quy trình, thủ tục để được xem xét, hỗ trợ kinh phí, các Hội thực hiện theo yêu cầu của cơ quan giao nhiệm vụ, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 4. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

1. Căn cứ quyết định giao dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao cho các Hội thực hiện, tuỳ theo điều kiện cụ thể, cơ quan tài chính thực hiện cấp bằng lệnh chi tiền hoặc giao dự toán cho các Hội thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để triển khai nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

Dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước do các cơ quan ủy thác giao cho các Hội thực hiện: Các cơ quan ủy thác có trách nhiệm phân bổ trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao và ký hợp đồng trách nhiệm với các Hội nhận ủy thác để các Hội có kinh phí thực hiện.

2. Việc sử dụng kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động có gắn với nhiệm vụ của Nhà nước thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý tài chính hiện hành.

3. Khi kết thúc các hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc được ủy thác thực hiện, các Hội lập báo cáo tổng hợp tình hình chi tiêu kinh phí đã được Nhà nước hỗ trợ tới cơ quan đã giao nhiệm vụ cho Hội, đồng gửi cơ quan tài chính và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cùng cấp để theo dõi và quản lý.

4. Việc quyết toán kinh phí được hỗ trợ:

a) Đối với phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp giao cho các Hội thực hiện: Các Hội trực tiếp quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.

b) Đối với phần kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước do các cơ quan ủy thác cho các Hội thực hiện: Cơ quan ủy thác xét duyệt quyết toán kinh phí trên cơ sở nghiệm thu, thanh lý hợp đồng trách nhiệm đã ký kết (chứng từ gốc do các Hội lưu giữ theo quy định của Luật kế toán), cuối năm tổng hợp chung trong quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan ủy thác.

c) Cuối năm các Hội tổng hợp chung quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao vào quyết toán thu, chi của Hội theo quy định.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1.  Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 123/2003/TT-BTC ngày 16/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,  tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Cơ quan trung ương của các hội, đoàn thể;

- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Công báo;

- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;

- Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính;

- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- Lưu: VT, Vụ HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

  Trương Chí Trung

 

  Tệp đính kèm
TT1BTC.DOC

NguonChinhphu.vn


Tin tức liên quan