TT- Huế: Gần 3.000 tỷ đồng đầu tư Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa đến năm 2020
Cập nhật lúc 07:19 | 16/11/2011 (GMT+7)
Sáng 15/11, UBND tỉnh TT- Huế tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy hoạch thiết chế văn hóa giai đoạn 1996 - 2010 và thông qua điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch đến 2020.
Thay mặt Sở VHTT&DL, ông Phan Tiến Dũng - giám đốc Sở đánh giá về thực trạng và những định hướng trong việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh TT- Huế. Theo báo cáo, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh TT- Huế chủ yếu tập trung ở thành phố Huế với hệ thống các bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, tượng đài … nhưng đang trong tình trạng xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp và xây dựng lại. Tại các huyện, thị xã, hệ thống thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu và yếu. Điển hình như hệ thống trung tâm văn hóa và nhà văn hóa, toàn tỉnh mới chỉ có 607 nhà sinh hoạt cộng đồng; 5 huyện, 4 phường có nhà văn hóa ... là những con số rất khiêm tốn.
|
Một góc khuôn viên tòa nhà số 21-23 đường Lê Lợi (nhìn từ phía trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TT-Huế), nơi sẽ trở thành Bảo tàng Văn hóa Huế. (Ảnh: NetCoDo) |
Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh TT Huế đến năm 2020 đã được Sở VHTT&DL cùng với Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh TT- Huế thực hiện nhằm mục tiêu hệ thống hóa và phân loại các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh TT- Huế; Xây dựng mô hình, tiêu chuẩn từng loại thiết chế văn hóa, làm cơ sở pháp lý xây dựng và lập các dự án đầu tư; Khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các vùng trong tỉnh; Tạo ra sự phát triển hài hòa về kinh tế và văn hóa; Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở; Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa...
Theo đề án này, giai đoạn 2011- 2020, tỉnh TT- Huế sẽ quy hoạch hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày; hệ thống trung tâm văn hóa và nhà văn hóa; hệ thống thư viện; nhà hát; nhà triển lãm; các đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật; hệ thống điện ảnh; hệ thống công viên, quảng trường; hệ thống tượng đài, vườn tượng; hệ thống dịch vụ văn hóa. Tổng mức đầu tư dự án là 2.910 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến xung quanh hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh và những định hướng đến năm 2020; đề xuất cần phân kỳ và có kế hoạch, giải pháp, tổ chức thực hiện cho từng giai đoạn để có hướng đầu tư cụ thể; cần tham khảo quy hoạch thiết chế văn hóa của hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM để xác lập các mô hình văn hóa trong tương lai, phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh nhà.
Kiến nghị từ các Sở, Ban, Ngành và địa phương sẽ giúp hoàn chỉnh đề án, trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Hiên Huyền (Netcodo)