Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Giảm trần lãi suất là động thái tiến tới bỏ trần lãi suất

Giảm trần lãi suất là động thái tiến tới bỏ trần lãi suất

Ngày cập nhật: 30/03/2012 08:37 AM

Nhân hội thảo chuyên đề kinh tế về tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả năm 2012 và việc xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra ở TP Huế, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia xung quanh những vấn đề liên quan. Về chính sách tài khóa năm 2012, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết:

 

- Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát lạm phát, từng bước giảm lãi suất (bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu...), đồng thời hạ trần lãi suất 1%. Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ sẽ từng bước được thực thi linh hoạt hơn. Chính phủ, NHNN phát đi thông điệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhất là đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp khó khăn về thanh khoản, bằng việc phân ra 4 nhóm NHTM, với tỷ lệ tín dụng khác nhau. Như vậy, việc nới lỏng tín dụng vẫn còn rất thận trọng. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN vẫn ưu tiên tín dụng cho một số lĩnh vực, đặc biệt đối với nông nghiệp và xuất khẩu, đồng thời có những chính sách linh hoạt hơn đối với tín dụng bất động sản, chứng khoán... nhằm tạo điều cho DN có cơ hội tiếp cận vốn và “dễ thở” hơn.

Nhưng hiện tại, DN vẫn “khó thở” vì lãi suất và chưa tiếp cận được vốn mới, thưa ông?

Động thái vừa qua của NHNN khi giảm lãi suất trần từ 14%/năm xuống 13%/năm mới chỉ gọi là có dấu hiệu hạ lãi suất chứ chưa phải là giảm lãi suất thực sự. Lãi suất không chỉ phụ thuộc vào lạm phát mà còn phụ thuộc chủ yếu vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có điều cần quan tâm là thanh khoản của các NHTM vẫn còn khó khăn, nhất là các ngân hàng nhỏ, ngân hàng nhóm 4 với thanh khoản yếu và nợ xấu cao. Trong khi người dân chỉ gửi tiền vào ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn, dễ dẫn đến “phá rào” để tồn tại, gây ra tình trạng có một lãi suất chính thức và nhiều lãi suất phi chính thức.

Xem ra hạ trần lãi suất chưa phải là “thượng sách” trong bối cảnh hiện nay?

Quyết định hạ trần lãi suất 1% cũng chưa giúp hạ được lãi suất cho vay xuống thấp, trong khi DN đang thiếu vốn. Thực tế hiện nay, có tình trạng là các DN lớn hoạt động tốt chỉ vay ngắn hạn và tìm cách trả nhanh vì lo sợ lợi nhuận giảm; trong khi các DN vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay và không ngân hàng nào dám cho vay, chỉ biết đứng nhìn sản lượng kinh doanh suy giảm, phá sản. Trong nền kinh tế mà DN không dám nghĩ đến đầu tư trung và dài hạn thì làm sao có đủ khả năng để cạnh tranh trong tương lai gần.

Có ý kiến nên xóa bỏ trần lãi suất, ông có đồng tình quan điểm này?

Tốt nhất là bỏ trần lãi suất, khi đó ngân hàng nhỏ khó khăn thanh khoản sẽ tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, các ngân hàng này do cần tiền để đáp ứng cho thanh toán tiền gửi và các khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng, sau khi huy động đủ sẽ dần hạ lãi suất xuống. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn, các ngân hàng nhỏ sẽ hồi phục. Sự hồi phục ở đây là nhờ thị trường chứ không phải là nhờ sự hỗ trợ vốn từ NHNN, dẫn đến áp lực cung tiền sẽ giảm. Khi đó, trên thị trường hình thành hai loại lãi suất, ngân hàng lớn rủi ro thấp, lãi suất thấp, ngân hàng nhỏ rủi ro cao, lãi suất cao; định giá thị trường về lãi suất sẽ phù hợp. Tôi thấy đang có hàng loạt động tác “dọn dẹp” thị trường tín dụng có lẽ để tiến tới quyết định quan trọng bỏ trần lãi suất trong thời gian tới. Giảm trần lãi suất cũng là động thái tiến tới bỏ trần lãi suất; dự báo đến tháng 7/2012 sẽ có đợt giảm lãi suất mạnh hoặc bỏ trần lãi suất.

Ông có lời khuyên gì đối với DN trong thời điểm hiện nay?

DN nên chủ động tiếp cận với các NHTM, nói rõ kế hoạch SXKD, triển vọng tồn tại và phát triển của mình để thuyết phục các NHTM cho phép khoanh nợ cũ, cho vay mới; đồng thời đưa ra kế hoạch thu được dòng tiền tương lai, kế hoạch trả nợ (kể cả khoản nợ cũ và mới) của DN. Nếu tất cả các DN vừa và nhỏ tự thấy mình có khả năng tồn tại và phát triển trong tương lai đều làm như vậy, sẽ tạo ra “làn sóng” gây sức ép chính sách. Lúc bấy giờ, có khả năng NHNN cho phép các NHTM đứng ra thỏa thuận với DN, ngân hàng về những khoản vay mới, việc xử lý các khoản nợ cũ. Đó là điều quan trọng mà cả DN lẫn ngân hàng nên làm ngay bây giờ.

Nhận định của ông về thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng trong thời gian tới?

Hy vọng thị trường chứng khóan, bất động sản sẽ đón nhận được tác động tích cực từ các quyết định liên quan đến lãi suất. Khi lãi suất tiền gửi giảm, một nguồn tiền thay vì gửi vào ngân hàng, sẽ chuyển sang thị trường chứng khoán và bất động sản, làm cho các thị trường này ấm lên. Thị trường bất động sản ấm lên sẽ tác động tốt cho giải quyết nợ xấu. Hiện có nhiều DN vừa và nhỏ đang có những khoản nợ xấu với ngân hàng, nhưng vừa qua ngân hàng không thể phát mãi tài sản cầm cố là bất động sản của các DN này. Dự báo có khả năng cuối năm nay, đầu năm tới, khi thị trường bất động sản ấm lên, các DN có thể bán những tài sản này và thanh toán nợ cho ngân hàng, như vậy nợ xấu sẽ giảm. Riêng giá vàng phụ thuộc và bị chi phối bởi các yếu tố chính như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ giá USD, giá dầu thế giới...

Xin cảm ơn ông!

Bạch Quang (TTH)

 


Tin tức liên quan