Văn bản chỉ đạo của Tỉnh

Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh, khóa VII: Thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

 Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch và nhiệm vụ thực hiện trong năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, năm 2016, nền kinh tế tỉnh nhà phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các sản phẩm chủ lực chịu sự cạnh tranh gay gắt và năng lực mới tăng thêm tạo động lực cho phát triển chưa nhiều. Bên cạnh đó, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nông nghiệp, ngành du lịch - dịch vụ. Có 9/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 17.600 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.896,5 tỷ đồng, vượt 4,8% dự toán (DT) năm, tăng 12,7% so năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,21% theo chuẩn 2016-2020 .

 
 

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,11%, chưa đạt so với kế hoạch đề ra 9%. Tuy nhiên, đây cũng là mức khá so với 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và không thấp hơn nhiều so với các tỉnh vùng trọng điểm miền Trung (GRDP năm 2016 dự ước của các tỉnh: Thanh hóa tăng 8%; Nghệ An tăng 7,25%; Đà Nẵng tăng 8,85%; Quảng Nam tăng 14,56%; Quảng Ngãi tăng 5%; Bình Định tăng 7,8%; Phú Yên tăng 7,45%; Khánh Hòa tăng 7,8%).

 
 

Khu vực dịch vụ tăng 8,02%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 10,07%. Du lịch biển bị thu hẹp do sự cố môi trường biển; dự ước tổng lượt khách du lịch đạt 3,3 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1.743 nghìn lượt. Công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển, song mức tăng chưa đạt như kỳ vọng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 9,15% so với cùng kỳ năm trước.

 
 

Sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng trưởng âm (-1,16%), sản lượng khai thác thủy sản giảm 21,8%. Song, nhìn tổng thể, ngành nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng như: chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo quy mô trang trại và gia trại (hiện toàn tỉnh có 49 trang trại chăn nuôi lớn và 1.234 trang trại gia trại, tăng 23,2% so với cùng kỳ); thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, năm 2016 đã có 4.047 ha rừng tham gia chứng chỉ rừng FSC; các hồ, đập trên địa bàn tỉnh tích nước an toàn, góp phần ngăn lũ, chống hạn hiệu quả trong năm;…

 
 

Việc triển khai thực hiện “Năm doanh nghiệp 2016” đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong năm, UBND tỉnh đã duy trì diễn đàn đối thoại trực tuyến “Trao đổi và tháo gỡ”, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế; các sở, ngành đã thực hiện “Tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ”; “Tháng Hành động hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân”; “Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”…Qua đó, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển đã có thêm nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như Tập đoàn BRG và BSH-Tây Ban Nha…

 

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả nhất định làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nước sạch tiếp tục được quan tâm đầu tư; một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Năm nay có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 24/104 xã, đạt 23,1% (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt từ 50-60% xã đạt chuẩn nông thôn mới).

 
 

Các lĩnh vực Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế và chăm sóc sức khỏe; Đào tạo nghề, lao động việc làm và an sinh xã hội được quan tâm; Quốc phòng - An ninh được tăng cường. Trong đó, đã tổ chức thành công Festival Huế lần thứ 9 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế”, đặc biệt di sản “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” vừa được UNESCO công nhận là “Di sản ký ức thế giới”, khẳng định vị thế của Trung tâm văn hóa, một điểm đến - năm di sản thế giới.

 
 

Trong lĩnh vực môi trường, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 96%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện trạng môi trường cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Hoạt động chăn nuôi tập trung, các lò giết mổ gia súc gần khu dân cư, điển hình lò mổ Hương Sơ... cũng đang ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Công tác quản lý khai thác đất làm vật liệu san lấp và khai thác cát sỏi được thực hiện khá tốt, đảm bảo đúng quy hoạch.

Công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả nổi bật, thời gian thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp giảm từ 05 ngày xuống còn 02 ngày đối với hồ sơ đăng ký qua mạng và 03 ngày đối với hồ sơ nộp bằng bản giấy; thủ tục nộp thuế giảm từ 247 giờ/năm 2015 xuống còn 117 giờ/năm; cấp chứng chỉ quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng giảm từ 20 ngày xuống còn 07 ngày, gia hạn giấy phép xây dựng còn 05 ngày, góp ý thiết kế cơ sở còn 08 ngày…Kết quả này, đã góp phần nâng hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (Par Index) từ vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành năm 2014 lên vị trí thứ 4/63 năm 2015. Tuy vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không được cải thiện, năm 2013 đứng thứ 2/63, năm 2014 đứng thứ 13/63 và năm 2015 đứng 29/63 tỉnh, thành phố.
HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2017
 
Giải pháp căn cơ và đột phá
 
 

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, thực hiện theo Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với chủ đề “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”. Mục tiêu phát triển là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tập trung khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

 
 

Thực hiện 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8-8,5% (ngành dịch vụ tăng 9%, công nghiệp-xây dựng tăng 9%, nông-lâm-ngư nghiệp tăng 2%); tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP) 2.100 USD; tổng đầu tư toàn xã hội 19.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước 6.856 tỷ đồng, tăng 16,3% (so với thực hiện 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1% so với năm 2016 (theo chuẩn thời kỳ 2016 - 2020); tạo việc làm mới 16.000 người...

 
 

Thực hiện 3 chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ; Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Về một số lĩnh vực cụ thể, phấn đấu doanh thu dịch vụ du lịch tăng 14% - 15%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 800 triệu USD, tăng 13%; thành lập mới 800 doanh nghiệp, thu hút 60 dự án trong và ngoài nước…

 
 

Thảo luận về chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất theo báo cáo của UBND tỉnh. Năm 2017, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, do đó, đề nghị UBND tỉnh phải quyết liệt chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 20/7/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn  tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thực hiện có hiệu quả hơn “Năm doanh nghiệp”, có như vậy mới có bước phát triển và chuyển biến quan trọng về kinh tế-xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021.

 
 

Về lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh cần xem xét, bố trí một phần kinh phí thích đáng để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo cú hích để nông nghiệp phát triển bền vững trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đại biểu Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ngành và địa phương cần quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp để triển khai tốt Quyết định 32 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Lưu ý thêm về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho hay, mặc dù tỷ trọng đóng góp vào phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp không lớn, nhưng là nguồn thu nhập chính của người dân ở nông thôn; vì vậy, các ngành và địa phương cần quan tâm, tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo thu nhập bền vững cho người dân.

 
 

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, năm 2016, vẫn còn một số ngành, địa phương chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, làm ảnh đến kết quả chung của toàn tỉnh. Do vậy, năm 2017, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bên cạnh đó, cần nghiên cứu để sớm thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, đủ mạnh để tham mưu cho tỉnh các chính sách thu hút về đầu tư; là đầu mối để cung cấp, giới thiệu đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh trên địa bàn.

Giải trình về các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, năm 2017, UBND tỉnh sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp để thực hiện hiệu quả “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”. Cùng với tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình và quản lý chặt chẽ việc chuyển nguồn. UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi dự án đối với trường hợp nhà đầu tư thiếu tích cực trong đầu tư và thực hiện nghĩa vụ dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời ban hành chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực, các dự án lớn làm đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng du lịch; nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu để xã hội hóa công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế và các di sản văn hóa thế giới khác đã được UNESCO công nhận. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...Triển khai tốt chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp,  sớm ban hành và thực hiện đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020.

 


Tin tức liên quan