Văn bản chỉ đạo của Tỉnh

Thừa Thiên Huế: Quan tâm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

    Xác định rõ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị của địa phương, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú góp phần nâng cao năng lực về pháp luật giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.

   Triển khai nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành thuộc các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để cung cấp cho các doanh nghiệp. Kết quả đã rà soát được 144 văn bản còn hiệu lực thi hành, trên cơ sở đó tập hợp, biên soạn và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành để các doanh nghiệp dễ dàng tra cứu. Bên cạnh đó, cũng đăng tải công khai, đầy đủ các bộ thủ tục hành chính và biểu mẫu liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ tiếp cận và khai thác thông tin một cách kịp thời.
   Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cho biết: “Thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện khá hiệu quả. Trong năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 10 Hội nghị triển khai, phổ biến 20 Luật, Nghị định mới cho 1.200 lượt cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, các Sở ngành; cơ quan Trung ương tại địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Biên soạn hàng ngàn tờ rơi, tờ gấp pháp luật về thuế, đầu tư, chính sách pháp luật mới về lao động… Tổ chức thành công các cuộc hội thảo, các sự kiện quảng bá, gắn với việc tuyên truyền các tấm gương điển hình về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm hình thành một cộng đồng sinh viên và giới trẻ có thái độ đúng đắn về khởi nghiệp; có tinh thần, động lực khởi nghiệp mạnh mẽ; có kiến thức, kỹ năng, công cụ khi khởi nghiệp”.
   Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp được tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương ... tổ chức triển khai các văn bản luật và dưới luật liên quan đến doanh nghiệp như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Đấu giá tài sản... và các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các tổ chức pháp chế, báo cáo viên pháp luật tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện... Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các doanh nghiệp và cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp. “Việc hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, các cơ quan có liên quan tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cao hơn để giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận kiến nghị này được các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thông qua các hình thức: đường dây nóng, mở chuyên mục hỏi đáp trên website; đặt hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan để các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác tham gia góp ý và giải đáp các yêu cầu, kiến nghị của khách hàng; Xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiếp dân vào tất cả các ngày làm việc;  Kết hợp công tác thanh tra, kiểm tra nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cho biết thêm.
Hội thảo “Phổ biến pháp luật và hỏi đáp liên quan đến đầu tư, kinh doanh ngành nghề có điều kiện”
   Đáp ứng đúng nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp
   Để xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật, ngày 11/5/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kèm theo Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND. Theo đó, các cơ quan cấp tỉnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành xác định các hoạt động cụ thể để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kịp thời và phù hợp, tránh chồng chéo về nội dung, chương trình, thời gian góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tỉnh luôn chú trọng tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật và các nội dung liên quan đến các lĩnh vực pháp luật về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đầu tư, các chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp... Đối với những trường hợp doanh nghiệp có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, tổ chức giải đáp bằng văn bản gửi các doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức giải đáp tại buổi làm việc hoặc thông qua điện thoại...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định: “Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có tác động tốt đến doanh nghiệp như: doanh nghiệp đã quan tâm đến pháp luật hơn, chủ động tìm hiểu kiến thức pháp luật, chú trọng đến cán bộ pháp chế... Thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện hoạt động tư vấn pháp lý để hoạt động hỗ trợ đi vào chiều sâu và hiệu quả; lựa chọn đối tượng và địa bàn hỗ trợ, trong đó quan tâm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp và các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chú trọng tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận pháp luật; Tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động để chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp”.
 
Theo www.thuathienhue.gov.vn

Tin tức liên quan