Văn bản chỉ đạo của Tỉnh

Cải cách thể chế - bước đột phá, giúp cải cách hành chính đi vào chiều sâu

Cải cách thể chế - bước đột phá, giúp cải cách hành chính đi vào chiều sâu

Ngày cập nhật: 20/04/2011 10:31 AM

Từ năm 2001 trở lại đây, xác định cải cách thể chế (CCTC) là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về CCTC.

Những kết quả tích cực...

 

Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành tích cực đổi mới công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và thực hiện rà soát các văn bản đã ban hành. Tính từ năm 2001 đến nay, HĐND tỉnh ban hành 475 Nghị quyết, trong đó có 186 VBQPPL; UBND tỉnh ban hành trên 1.700 Quyết định, Chỉ thị, trong đó có 620 VBQPPL; UBND cấp huyện ban hành trên 8.500 VBQPPL và ở cấp xã trung bình mỗi năm ban hành khoảng 06 VBQPPL. Các cấp ngành còn tích cực rà soát các VBQPPL đã ban hành. Từ năm 2000 đến năm 2008, UBND tỉnh tiến hành rà soát 1.303 VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Qua rà soát đã quyết định bãi bỏ 520 VBQPPL đã hết hiệu lực hoặc hết hiệu lực từng phần; UBND cấp huyện đã tự tiến hành rà soát 7.454 VBQPPL, kịp thời tự loại bỏ 211 văn bản, tự sửa đổi 121 văn bản và đè nghị cấp trên sửa đổi 10 văn bản.

 


Niêm yết hồ sơ hành chính giúp việc cải cách hành chính thuận lợi hơn

 

Triển khai Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 30 ra ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh, đồng thời triển khai kế hoạch rà soát, thống kê các TTHC. Qua rà soát đã kịp thời ban hành quyết định thông qua phương án đơn giản hóa 1.815 TTHC trên địa bàn tỉnh. Trong đó: đề nghị giữ nguyên 429 TTHC; kiến nghị bổ sung, sửa đổi, thay thế 1.132 TTHC; kiến nghị hủy bỏ, bãi bỏ 254 TTHC. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, các website của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và niêm yết công khai tại trụ sở các cơ quan hành chính trên địa bàn.

 

Về thực hiện cơ chế một cửa, năm 2008, UBND tỉnh tiến hành rà soát và ban hành 30 quyết định về qui định việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa ở 21/21 đơn vị cấp tỉnh và 9/9 đơn vị cấp huyện với 956 danh mục TTHC. Các quyết định được ban hành hầu hết đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC: Từ 5 đến 10 ngày ở các lĩnh vực xây dựng, đất đai, chính sách – xã hội; từ 10 đến 20 ngày ở các lĩnh vực thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư... Anh Trần Minh Long, Phó Trưởng phòng CCHC - Sở Nội vụ, cho biết: “Thừa Thiên Huế đã triển khai trước 1 năm việc thực hiện cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện so với yêu cầu của Quyết định 181 là bắt đầu từ năm 2004. Tại UBND cấp xã, năm 2001 và 2002 đã triển khai ở 25 xã, phường thuộc thành phố Huế; các xã còn lại triển khai năm 2004 và đầu năm 2005”.

 

Nhiệm vụ thời gian tới

 

Dù CCTC là một nhiệm vụ quan trọng trong CCHC, nhưng thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, nội dung hoạt động trong lĩnh vực này. Việc rà soát TTHC ở một số đơn vị còn thụ động, chưa thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn một số TTHC không hợp lý, phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cơ chế “một cửa” tuy đã được triển khai ở tất cả các đơn vị, các cấp, các ngành; tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị thiếu đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với cơ sở... Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng công tác CCTC trong giai đoạn 2011–2020, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng vào mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh. Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL, chú trọng ban hành các cơ chế chính sách phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trên UBND tỉnh đề ra các giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của HĐND và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội vào lĩnh vực này. Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các ngành, các cấp; đặc biệt chú trọng thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hành chính, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cơ chế thanh tra, kiểm tra công vụ. Xây dựng các cơ chế nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC nhằm nâng cao nhận thức về CCHC của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân.

Bài và ảnh: Đoàn Ngự Bình (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan