Sau Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…, Bia Huế Tiếp tục phát triển thị trường ra một số tỉnh phía Bắc. Tại thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, ngay những bước đi đầu tiên của bia Huế đã có dấu hiệu ăn hàng. Thị trường Nghệ An đã có lúc sôi động hơn thị trường Đà Nẵng trước đây. Cùng lúc, thị trường Quảng Trị đã được thiết lập, thị trường Huế thì ngày càng rầm rộ, bia Huế trở nên thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Năm 1993, lãnh đạo nhà máy quyết định tăng sản lượng bia Huế từ 6 triệu lên 12 triệu lít/năm. Từ năm 1993 trở đi, trên thị trường bắc miền Trung, nhu cầu tiêu thụ bia Huế ngày càng sôi động. Năm 1995, lại một lần nữa, lãnh đạo nhà máy quyết định tăng sản lượng từ 12 triệu lít lên 30 triệu lít/năm. Một sự gia tăng vượt trội. Song, cũng trong năm này, tại thị trường Nghệ An đã gặp trở ngại. Nghệ An cũng xây dựng nhà máy bia, sản phẩm của họ là ViDa (đều mua công nghệ của Đan Mạch) đã chi phối một phần khá lớn thị trường bia Huế. Mùa hè năm 1995, nước sông Hương nhiễm mặn trầm trọng. Dư luận và một số mẻ bia Huế bị nhiễm mặn, trong số đó có những mẻ được đưa ra Nghệ An và Quảng Bình. Thông tin về bia nhiễm mặn gây ảnh hưởng mạnh đến uy tín chất lượng của bia Huế, làm mất đi một phần khách hàng quan trọng. Đó cũng là cơ hội cho một số loại bia khác cạnh tranh thị trường. Thị phần bia Huế giảm hẳn ở hai tỉnh này.