Tin tức

Nhà chung cư không được sở hữu vĩnh viễn? (13/02)

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, rút ngắn thời hạn sở hữu nhà chung cư mới chỉ là ý tưởng chứ chưa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Quá trình nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, có nhiều hình thức sở hữu nhà ở, sở hữu đất. Có nước áp dụng phương thức cho người dân quyền sử dụng đất đa dạng, lâu dài. Có nước áp dụng phương thức sở hữu có thời hạn đối với nhà chung cư. “Khi đã hết thời hạn sử dụng thì cũng hết tuổi thọ của nhà. Lúc ấy, nhà không còn thuộc sở hữu của người dân, việc lấy lại nhà để cải tạo lại dễ hơn. Do vậy, đây là kinh nghiệm của nước ngoài cần nghiên cứu để áp dụng”, ông Thiện cho hay.

Gửi vàng sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (13/02)

Theo thông tư 12, lãi tiền gửi được miễn thuế được mở rộng hơn bao gồm thu nhập cá nhân nhận được từ lãi gửi VND, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng dưới các hình thức như tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận và lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, người gửi vàng dưới hình thức chứng chỉ gửi vàng tới đây sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cũng sửa đổi thông tư 02 quy định về thu thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai.

 

Chính phủ đồng ý tăng giá điện từ tháng 3 (13/02)

Theo đó, Bộ Công Thương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm việc sản xuất và bảo đảm cung ứng điện, đồng thời kiểm tra, giám sát đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các ngành dầu khí, than, điện, dệt may, xăng dầu… tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tiến tới giảm giá thành. Đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, đi đôi với việc tăng cường kiểm soát nhập siêu ngay từ đầu năm, phấn đấu để tỷ lệ nhập siêu năm 2011 ở mức dưới 18%. Hồi tháng 3 năm 2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh. Theo đó, giá bán điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng mỗi kWh. Mức tăng này được xây dựng trên cơ sở giá than năm 2010. Trong đó, than cám loại 5 tăng 28%, từ 405.500 đồng lên 520.000 đồng một tấn và than cám loại 4B từ 442.000 đồng lên 648.000 đồng một tấn, tăng 47%.

Giá điện có thể tăng đến 32% (13/02)

Bộ Công Thương cho biết, Nhà nước đã có chủ trương phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, giá điện sẽ được tách bạch thành giá của các khâu phát điện, truyền tải, điều hành, quản lý và cả dịch vụ phụ trợ, phân phối... Giá mua bán điện của các nhà máy điện được thực hiện theo cơ chế đàm phán giá minh bạch trong phạm vi khung giá của Bộ Công Thương ban hành hàng năm. Các tổng công ty điện lực của các địa phương được quyền tính toán giá bán điện tại địa bàn của mình. Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang hoàn tất khung giá bán điện mới, dự kiến áp dụng theo lộ trình điện cạnh tranh năm 2011, trong đó có đề xuất tăng đến 32% và dự kiến cuối năm 2011 sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.

Thừa Thiên Huế: Khai trương sàn giao dịch việc làm năm 2011 (11/02)

Theo kế hoạch cụ thể, phiên giao dịch việc làm đầu tiên sẽ diễn ra tại huyện Phong Điền (địa điểm là Cơ quan huyện ủy huyện Phong Điền, UBND Xã Điền Lộc; Nhà sinh hoạt cộng đồng Xã Phong An) và tại Thị xã Hương Thủy (địa điểm là Khu công nghiệp thị trấn Phú Bài) vào ngày 08/02/2011 (06/01 Tân Mão). Tiếp đó là huyện Phú Vang vàongày 09/02/2011 (07/01 Tân Mão) tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Phú Vang; tại Trường Trung cấp nghề huyện Quãng Điền vào ngày 10/02/2011 (08/01 Tân Mão) và vào ngày 11/02/2011 (09/01 Tân Mão) tại UBND Xã Lộc Trì, Huyện Phú Lộc.

Nguồn lực cho phát triển đô thị Huế (11/02)

Vài năm trở lại đây, tỉnh và thành phố Huế đã có rất nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển thành phố. Điều này được minh chứng bằng sự đổi thay rất dễ nhận thấy của diện mạo đô thị Huế, đặc biệt là nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng, viễn thông… Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, việc huy động được gần 3.000 tỷ đồng để đầu tư trên địa bàn trong năm 2010 là một điều không đơn giản. Tuy vậy, với vị thế của một đô thị loại I, giữ vị trí là hạt nhân, động lực phát triển cho toàn tỉnh, sự đầu tư này dường như vẫn chưa đủ lớn nếu không muốn nói là rất khó tạo ra được những thay đổi mang tính bước ngoặc trong phát triển đô thị.

Xuất khẩu gạo 2011: Mở rộng thị trường (11/02)

Giá xuất khẩu (FOB) bình quân là 503,46 USD/tấn, tăng 39,54 USD/tấn, trong đó hợp đồng tập trung chiếm trên 83%. Trong tháng 2, khả năng xuất thêm 700.000 tấn. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm VFA đã xuất xấp xỉ 1,2 triệu tấn gạo. Dự kiến tháng 3 sẽ xuất thêm 500.000 - 600.000 tấn gạo, tổng cộng quý 1 xuất khoảng 1,8 triệu tấn. Cho đến nay, trong số 1,515 triệu tấn gạo các doanh nghiệp (DN) đăng ký, tập trung 2 thị trường chính là Indonesia và Bangladesh, lượng gạo hợp đồng còn lại giao từ tháng 2 trở đi là 1,031 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa ký hợp đồng xuất tập trung với Philippines năm 2011 và điều này làm một số DN lo ngại.

Chỉnh trang đô thị, mối quan tâm hàng đầu (10/02)

Trước hết, các dự án chỉnh trang đô thị Huế trong năm 2011 phần lớn đều thuộc hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế. Khơi thông hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế là mối quan tâm hàng đầu của cư dân sống trong nội thành và chung quanh Thành nội. Trong lúc đó, hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế nằm trong hệ thống di tích Huế. Vì vậy, để thực hiện thành công này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (kể cả huy động nguồn lực). Những yếu kém trong mối quan hệ này người dân khó chấp nhận và từng nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Ngay cả việc tổ chức sản xuất kinh doanh trên hệ thống thuỷ đạo cũng là vấn đề cần được đặt ra, không thể kéo dài tình trạng trồng rau, nuôi cá…

Rộn ràng ra quân đầu năm (10/02)

Năm nay, nghỉ Tết đến tận mùng 8 Âm lịch, các cơ quan đơn vị mới chính thức trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ra quân sản xuất đầu năm với những nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý đầu của năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm. Sáng mùng 6 Tết, Công ty TNHH Bia Huế tổ chức lễ ra quân sản xuất đầu năm. Đến dự, có các đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Ngọc Thọ, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Thừa Thiên Huế: Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng (10/02)

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Tài chính: Tham mưu tổ chức triển khai; kiểm tra, báo cáo tổng hợp chung việc thực hiện Quyết định này. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch đấu giá thu tiền sử dụng đất các lô đất tại các Khu quy hoạch; các khu nhà, đất do nhà nước quản lý; các trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp di dời vào Khu hành chính tập trung của tỉnh đảm bảo kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2011. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp lệnh về phí, lệ phí và Chỉ thị 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 đạt 1,6 tỷ USD (10/02)

Tiếp đà tăng trưởng từ cuối năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 1-2011 vẫn được duy trì với tổng kim ngạch ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng hơn 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nông sản chính vẫn đóng vai trò quan trọng với kim ngạch xuất khẩu đạt 910 triệu USD (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tăng cao trong dịp năm mới khiến giá của phần lớn các mặt hàng nông sản đều tăng.

Bao giờ lãi suất giảm? (10/02)

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank nói, nhu cầu thanh khoản chỉ dồn vào thời điểm trước Tết, còn sau Tết thì nhu cầu này không dồn nhập, căng thẳng như trước đó nên lãi suất sẽ giảm theo. Theo ông, gần như thành mùa vụ, thời điểm trước Tết Âm lịch, nhu cầu chốt khoản giải ngân dự án, chạy kế hoạch, trả nợ, trả lương của các doanh nghiệp rất gấp gáp nên sẵn sàng chấp nhận lãi suất mức cao. Trong đợt sốt lãi suất vừa qua, có doanh nghiệp phải vay với lãi suất tới 23% - 25%/năm.

Chuyển đổi Agribank thành công ty TNHH một thành viên (09/02)

Theo Quyết định số 214/QĐ-NHNN ký ban hành ngày 30/1/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định chuyển đổi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tên gọi của Agribank vẫn được giữ nguyên như cũ, chỉ thay đổi hình thức pháp lý là Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có trụ sở chính tại Lô 2B.XV, Khu đô thị mới Mỹ Đình I, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; Ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh tiền tệ, tín dụng, dịch vụ ngân hàng và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; Có vốn điều lệ là 20.708.736.216.715 đồng, việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Lễ hội Đền Huyền Trân 2011 (09/02)

Lễ hội đền Huyền Trân 2011 diễn ra từ ngày 10 -17/2/2011 (tức vào ngày mồng 8 đến 15 tháng Giêng năm Tân Mão) tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, thôn Ngũ Tây, Phường An Tây, thành phố Huế. Lễ hội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn hóa Du lịch Đất Việt tổ chức. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Lễ hội đền Huyền Trân 2011 có 4 chương trình chính: Đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an; lễ hội đền Huyền Trân; lễ hội hoa đăng và lễ hội Tết Nguyên tiêu. Đặc biệt, lễ hội hoa đăng diễn ra vào tối 11/2 (tức mùng 9 tháng Giêng) dự kiến có khoảng 2.000 tăng ni, phật tử tham gia.

Thừa Thiên – Huế: Khai hội du lịch năm 2011 (09/02)

Theo tin từ Sở VH,TT&DL Thừa Thiên -Huế, vào ngày 10-2, ngành du lịch địa phương sẽ tổ chức chương trình “Khai hội du lịch năm 2011″. Ngoài phần lễ, chương trình sẽ tạo sức hấp dẫn du khách với phần hội kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ gồm các tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, các trò chơi dân gian đầu năm mới, các hoạt động carnaval: múa rối, biểu diễn võ thuật, hip hop, aerobic… Không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách trong những ngày đầu xuân, chương trình là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của Thừa Thiên – Huế năm 2011. Được biết, một trong những hoạt động trọng điểm của ngành du lịch Thừa Thiên – Huế năm 2011 là tập trung nâng cấp và phát triển sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, khác biệt hóa.

Công ty TNHH Bia Huế phấn đấu nộp ngân sách nhà nước năm 2011 đạt 900 tỷ đồng (08/02)

Năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình chung của thị trường trong nước và thế giới, tình hình thời tiết bất lợi... nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên trong sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Bia Huế đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã đưa vào hoạt động nhà máy bia Huế giai đoạn 2; sản lượng tiệu thụ năm 2010 đạt 178,53 triệu lít, tăng 13,6% so với năm 2009; nộp ngân sách nhà nước 738,781 tỷ đồng; doanh thu đạt 2.003,6 tỷ đồng, tăng 22,1%; vốn đầu tư tăng 15%. Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 6,92 triệu đồng/ tháng, tăng 27,5% so với năm trước.

Dự án nhà máy Thủy điện A Lưới phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 năm 2011 (08/02)

Vượt qua năm 2010 đầy khó khăn và thử thách, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân các lực lượng tham gia xây dựng công trình và các đơn vị liên quan khác, năm qua công trình thủy điện A Lưới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch với giá trị sản lượng trên 820 tỷ đồng, đạt 103 % kế hoạch. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng các mục công trình chính đã hoàn thành, khu vực lòng hồ đã đền bù được 953/1066 hộ, dự kiến đến hết Quý I/2011 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực lòng hồ; hạng mục đường hầm tuyến năng lượng đã đào và gia cố được 12,6km đường hầm cả chính và phụ; hạng mục nhà máy đã hoàn thành công tác đào đất đá với 306 nghìn m3, đổ bê tông đến cao trình 87,4m... Giá trị sản lượng thực hiện được từ ngày khởi công đến nay là khoảng 1.921 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Long Thọ ra quân (08/02)

Sáng ngày mồng 4 Tết, cty cổ phần Long Thọ đã ra quân sản xuất, đốt lò trở lại và tổ chức hoạt động bán hàng ngày đầu tiên trong năm 2011 với hình thức khuyến mãi từ 40.000 - 60.000đ/tấn. Ngay trong ngày đầu tiên ra quân của năm mới đã có khoảng 100 khách hàng đến giao dịch mua xi măng. Dự ước trong ngày mồng 4 tết sản lượng hàng bán ra đạt 10.000 tấn với doanh thu tương ứng khoảng 8 tỷ đồng. Trong ngày, cty đã cho ra lò khoảng 300 tấn clinke và 500 tấn xi măng. Sau những ngày Tết Nguyên đán thị trường xây dựng sẽ tăng cao nên để đáp ứng nguyên vật liệu cho xây dựng, cty cổ phần Long Thọ đã huy động cán bộ công nhân viên chức tất cả các công xưởng bước vào sản xuất kinh doanh cho năm mới.

Sắp bổ sung nguồn điện công suất hơn 2.000 MW (08/02)

Trong năm nay, EVN cũng khởi công năm dự án nguồn điện khác là Nhiệt điện Mông Dương 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2 mở rộng, Ô Môn 1-tổ máy 2 và Thủy điện Sông Bung 2, với tổng công suất 3.830MW. Đồng thời, EVN tiếp tục thi công dự án cấp điện cho đồng bào Khmer ở ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh; dự án cấp điện cho các hộ nghèo của hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên; dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển cấp điện cho đảo Phú Quốc.Ngoài ra, EVN còn hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cấp điện cho đồng bào nghèo và dân tộc ít người của tỉnh Sơn La; chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2012 như các dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, 4 và 5 trong Trung tâm Điện lực Ô Môn phù hợp với tiến độ khí lô B đưa vào khai thác; xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy điện hạt nhân.

CPI tháng 2 có thể tăng 1,8-2%? (08/02)

Một điểm được Cục Quản lý giá đưa vào phân tích gần đây là sức mua có khả năng thanh toán, được cho là yếu tố tác động gần nhất tới giá cả thị trường. Theo cơ quan này, trong dịp cuối năm âm lịch, sức mua của các tầng lớp dân cư trong dịp này tăng mạnh do tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1, và tiền thưởng Tết về túi người tiêu dùng.Trong khi đó, lượng kiều hối tăng mạnh vào giai đoạn gần Tết Nguyên đán, năm 2010 ước đạt 8,3 tỷ USD (tăng 25,6% so với 2009) và được dự báo còn tăng mạnh hơn trong tháng trước Tết Nguyên đán; lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt kiều về quê ăn Tết tăng, ước tính sẽ có trên 500 nghìn kiều bào về quê ăn Tết Tân Mão)… làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá lên.