Tin tức

Dự án nhà máy Thủy điện A Lưới phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 năm 2011 (08/02)

Vượt qua năm 2010 đầy khó khăn và thử thách, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân các lực lượng tham gia xây dựng công trình và các đơn vị liên quan khác, năm qua công trình thủy điện A Lưới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch với giá trị sản lượng trên 820 tỷ đồng, đạt 103 % kế hoạch. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng các mục công trình chính đã hoàn thành, khu vực lòng hồ đã đền bù được 953/1066 hộ, dự kiến đến hết Quý I/2011 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực lòng hồ; hạng mục đường hầm tuyến năng lượng đã đào và gia cố được 12,6km đường hầm cả chính và phụ; hạng mục nhà máy đã hoàn thành công tác đào đất đá với 306 nghìn m3, đổ bê tông đến cao trình 87,4m... Giá trị sản lượng thực hiện được từ ngày khởi công đến nay là khoảng 1.921 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Long Thọ ra quân (08/02)

Sáng ngày mồng 4 Tết, cty cổ phần Long Thọ đã ra quân sản xuất, đốt lò trở lại và tổ chức hoạt động bán hàng ngày đầu tiên trong năm 2011 với hình thức khuyến mãi từ 40.000 - 60.000đ/tấn. Ngay trong ngày đầu tiên ra quân của năm mới đã có khoảng 100 khách hàng đến giao dịch mua xi măng. Dự ước trong ngày mồng 4 tết sản lượng hàng bán ra đạt 10.000 tấn với doanh thu tương ứng khoảng 8 tỷ đồng. Trong ngày, cty đã cho ra lò khoảng 300 tấn clinke và 500 tấn xi măng. Sau những ngày Tết Nguyên đán thị trường xây dựng sẽ tăng cao nên để đáp ứng nguyên vật liệu cho xây dựng, cty cổ phần Long Thọ đã huy động cán bộ công nhân viên chức tất cả các công xưởng bước vào sản xuất kinh doanh cho năm mới.

Sắp bổ sung nguồn điện công suất hơn 2.000 MW (08/02)

Trong năm nay, EVN cũng khởi công năm dự án nguồn điện khác là Nhiệt điện Mông Dương 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2 mở rộng, Ô Môn 1-tổ máy 2 và Thủy điện Sông Bung 2, với tổng công suất 3.830MW. Đồng thời, EVN tiếp tục thi công dự án cấp điện cho đồng bào Khmer ở ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh; dự án cấp điện cho các hộ nghèo của hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên; dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển cấp điện cho đảo Phú Quốc.Ngoài ra, EVN còn hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cấp điện cho đồng bào nghèo và dân tộc ít người của tỉnh Sơn La; chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2012 như các dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, 4 và 5 trong Trung tâm Điện lực Ô Môn phù hợp với tiến độ khí lô B đưa vào khai thác; xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy điện hạt nhân.

CPI tháng 2 có thể tăng 1,8-2%? (08/02)

Một điểm được Cục Quản lý giá đưa vào phân tích gần đây là sức mua có khả năng thanh toán, được cho là yếu tố tác động gần nhất tới giá cả thị trường. Theo cơ quan này, trong dịp cuối năm âm lịch, sức mua của các tầng lớp dân cư trong dịp này tăng mạnh do tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1, và tiền thưởng Tết về túi người tiêu dùng.Trong khi đó, lượng kiều hối tăng mạnh vào giai đoạn gần Tết Nguyên đán, năm 2010 ước đạt 8,3 tỷ USD (tăng 25,6% so với 2009) và được dự báo còn tăng mạnh hơn trong tháng trước Tết Nguyên đán; lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt kiều về quê ăn Tết tăng, ước tính sẽ có trên 500 nghìn kiều bào về quê ăn Tết Tân Mão)… làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá lên.

Chân Mây - Lăng Cô: Gần và... xa (05/02)

Trong năm qua, BQL KKT CM-LC đã cấp mới và cấp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 10 DN, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn lên 79 DN với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng. Tổng số lao động tại các DN trên 1.230 người; trong đó có 10 lao động nước ngoài. Qua theo dõi, các DA đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT đã khẳng định những hiệu quả. Sự ra đời và hoạt động ổn định của các DN trên các lĩnh vực không chỉ tạo sự sôi động cho KKT và cảng Chân Mây nói riêng, mà còn góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp... Bên cạnh các DA đã đi vào hoạt động, nhiều DA được cấp phép cũng đang triển khai đầu tư xây dựng; đặc biệt là 3 DA lớn: Khu du lịch Laguna Huế, xây dựng hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây và mở rộng kho cảng xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thừa Thiên Huế: 3.000 chỗ làm việc mới trong phiên giao dịch việc làm đầu năm (05/02)

Tại các phiên giao dịch việc làm sẽ có trên 30 doanh nghiệp tham gia tuyển trên 3.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh với các ngành nghề: Kinh tế, Kế toán, Công nghệ thông tin, Điện, Kiến trúc, Xây dựng, Cơ khí, Thuỷ lợi, Giao thông - Cầu đường, Giáo viên, Thợ may, phục vụ nhà hàng - khách sạn, Nhân viên bán hàng, Tư vấn bảo hiểm, thợ chế tác kim hoàn, Lái xe, Bảo vệ và Lao động phổ thông (công nhân nhà máy)…

Xuất khẩu 2011: Đòn bẩy từ chất lượng (05/02)

“Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011, dự kiến sẽ đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm khoảng 48,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13 % so với năm 2010.  Thủy sản dự kiến kim ngạch đạt khoảng 6 tỷ USD; lượng gạo xuất khẩu 6,5 triệu tấn; cà phê 1,1 triệu tấn, cao su 800.000 tấn...”- Trong cuộc trò chuyện ngày đầu xuân mới Tân Mão 2011 về tình hình xuất nhập khẩu năm qua và những kế hoạch cho năm tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết.

Thừa Thiên Huế bước chân vào CLB 3.000 tỷ (05/02)

Năm 2010, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh TT Huế đạt 3.010 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 2.647 tỷ đồng, tăng 21,9%, thu thuế xuất nhập khẩu 150 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2009. 2 lĩnh vực đang được TT Huế tập trung phát triển mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế là dịch vụ và công nghiệp đều có sự tăng trưởng khá. Năm 2010, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch có quy mô lớn, đặc biệt là thành công của Festival 2010 đã giúp ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng. Lượng khách du lịch đến Huế cả năm là gần 1,5 triệu, trong đó khách quốc tế hơn 612 nghìn lượt. Doanh thu của ngành du lịch đạt mức 917 tỷ đồng. Hoạt động thương mại cũng khá sôi nổi với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 14.670 tỷ đồng, tăng 32,7%. Ngành công nghiệp xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định dù ở trong điều kiện điện, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm đạt 7.100 tỷ đồng tăng hơn năm 2009: 25,5%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 248 triệu USD, tăng đến 70,6% so với năm 2009.

Thừa Thiên Huế: Các doanh nghiệp hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để bắn pháo hoa trong dịp Tết Tân Mão 2011 (03/02)

Nhân dịp Tết nguyên đán Tân Mão - 2011 và kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930-03/02/2011), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp Đêm giao thừa kết hợp bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ Môn - Huế và thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông. UBND tỉnh cũng đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để bắn pháo hoa (có danh sách kèm theo). Tính đến thời điểm ngày 30/1/2011 đã có 67 doanh nghiệp tài trợ kinh phí cho việc bắn pháo hoa với tổng số tiền lên đến 1,011 tỷ đồng.

Chủ tịch nước: Mừng xuân mới, thắng lợi mới! (03/02)

Năm Canh Dần vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, thiên tai xảy ra liên tiếp, hậu quả hết sức nặng nề, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước đã đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua.Chúng ta đã hân hoan, tự hào kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực, thực hiện thành công các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, tổ chức thắng lợi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN và các hoạt động đối ngoại quan trọng...

Tân Mão - năm thuận bất động sản (03/02)

Muốn kinh doanh hiệu quả, các nhà đầu tư lại không nặng về hướng mà thường nặng về thế, quan tâm xem mảnh đất đó, dự án đó ở vị trí nào, địa thế nào. Những người chỉ chú trọng tới hướng thì “tiền cát hậu hung”, lúc đầu tốt nhưng sau đó cũng đắm chìm nhiều phen, hướng tốt nhưng không đem lại cho họ lợi nhuận trong làm ăn, buôn bán. Ngược lại, nếu có thế tốt, việc kinh doanh sẽ thuận lợi, phát triển. Thế ở mỗi nơi khác nhau, khí hậu cũng góp phần tạo ra được hình dáng thế để nhà kinh doanh đầu tư.

Giá cứ “bão”, đồ nội thất vẫn tăng tốc xuất hàng. (01/02)

Khi năm cũ đã hết năm mới sắp tới, một ngôi nhà vừa xây xong, người ta không thể vì cơn bão giá mà không mua sắm đồ nội thất cho ngôi nhà của mình, cho dù những mặt hàng này hiện nay đã tăng giá từ 20 - 35%. Mức tăng giá sản phẩm tuỳ thuộc vào từng loại gỗ nhập ngoại hay nhập nội. Nếu nửa năm trước người ta chỉ cần có tầm tiền từ 10 triệu đồng tới 15 triệu đồng là đã có thể sở hữu một bộ sofa thì nay người ta phải bỏ ra tới hơn 20 triệu mới có được một bộ bàn ghế uống nước gọi là “được” cho ngôi nhà của mình.

Năm 2011:Thị trường bán lẻ sẽ ra sao? (01/02)

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh và khối doanh nghiệp (DN) thuộc ngành này đang giải quyết việc làm tại hầu khắp địa phương, nhất là ở đô thị. Đặc biệt, khi ngành bán lẻ tăng tốc phát triển nhanh, liên tục sẽ tạo ra điều kiện để cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP và cũng là lực đẩy lớn cho các ngành công nghiệp chế biến phát triển.

Chính phủ yêu cầu lộ trình giảm lãi suất (31/01)

Chỉ đạo này vừa được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết thường kỳ tháng 1/2011.

Tầm nhìn mới về phát triển vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai (29/01)

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TV của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và đầm phá đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Thừa Thiên Huế đã giành được nhiều kết quả khả quan. Bảy chương trình kinh tế trọng điểm: Phát triển khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Phát triển du lịch ven biển đầm phá; Đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Bảo tồn, bảo vệ môi trường biển và đầm phá; Tái định cư và xóa đói, giảm nghèo dân thủy diện ven biển và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai; Sắp xếp nò sáo và chuyển nghề trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; Phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thủy lợi, đê điều… đã đi vào cuộc sống của người dân. Diện mạo nông thôn vùng biển và vùng đầm phá khởi sắc rất rõ khi đời sống của người dân ngày càng ổn định, hộ giàu có tăng nhanh, trường học, trạm xá… được xây mới; nhiều loại hình dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh cả về mặt vật chất và tinh thần ở vùng quê ven phá này đã thay da đổi thịt.

Chân Mây: Thành phố trong tâm tưởng (29/01)

Ít người biết, vua Khải Định – vị vua thích du lịch nhất trong 13 vua triều Nguyễn- chính là người đầu tiên “phát hiện” ra khu nghỉ mát Lăng Cô, và “chốn bồng lai tiên cảnh” là chữ dùng của vua nói về bờ biển này khi lần đầu tiên ông đặt chân đến đây vào năm 1916, ngay sau khi lên ngôi. Vua Khải Định đã lệnh cho Bộ Công về Lăng Cô xây dựng một hành cung gọi là “Hành cung Tịnh Viêm” (làm dịu sự nóng nực) để nghỉ mát vào mùa hè. Sau đó gần 3 năm, trong một lần về “Hành cung Tịnh Viêm”, nhà vua tức cảnh sinh tình và đã viết một bài văn có giá trị cao về mặt văn học. Áng văn “ngự chế” này sau đó đã được khắc vào bia đá, dựng ở Lăng Cô để kỷ niệm, nay vẫn còn ở làng An Cư Đông.

Quy định mới về mức thu, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn tỉnh (29/01)

Ngày 18/01/2011, UBND đã ban hành Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND mức mức thu, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn tỉnh. Đối tượng nộp phí trông giữ xe đạp, xe máy là chủ các phương tiện xe đạp, xe máy có nhu cầu trông giữ tại các điểm đỗ, bãi trông giữ phương tiện công cộng phù hợp với quy hoạch và quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị của địa phương.Theo quy định, địa điểm trông giữ xe loại 1 là các điểm, bãi trông giữ xe đạp, xe máy ở các bệnh viện, trường học, chợ; loại 2 là các điểm, bãi trông giữ xe đạp, xe máy còn lại (trừ địa điểm loại 3); loại 3 là các bãi, điểm đỗ xe tại các địa điểm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bãi tắm biển du lịch; các bãi, điểm đỗ xe công cộng tạm thời phục vụ lễ hội và các hoạt động cộng đồng đặc biệt thường có nhu cầu gửi xe nhiều giờ, thực hiện công việc trông giữ khó khăn hơn những nơi khác.

Từ ngày 15/02/2011 áp dụng quy định mới về mức thu, quản lý và sử dụng phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh (29/01)

Theo đó, rác thải từ hộ gia đình không sản xuất, kinh doanh thuộc các phường có dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tương đối tốt : Mặt tiền 16.000 đồng/hộ/tháng; kiệt, ngõ 11.000 đồng. Các phường có dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải mức trung bình, thị trấn, trung tâm huyện lỵ, chợ nông thôn (trừ khu vực nông thôn):  Mặt tiền 11.000 đồng/hộ/tháng; kiệt, ngõ 8.000 đồng. Các khu vực nông thôn: 7.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, còn quy định mức thu phí đối với rác thải từ hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, nhà ga, bến xe, bến thuyền, chợ, bệnh viện, trạm y tế, trường học, nhà trẻ, cơ quan hành chính, sự nghiệp, trụ sở làm việc của doanh nghiệp, rác thải nguy hại (rác thải y tế, công nghiệp nguy hại, chế biến nông thủy sản, giết mổ gia súc)…

Những “nút thắt” cần tháo gỡ (28/01)

Năng lực một số CĐT và nhà thầu còn nhiều hạn chế, một số CĐT thiếu kiên quyết trong xử phạt vi phạm đối với nhà thầu. Một số DA thi công quá thời gian quy định; nguyên nhân chủ yếu do vướng về đền bù, GPMB và ngân sách tỉnh còn khó khăn; công tác lựa chọn nhà thầu một số gói thầu chưa chặt chẽ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện của Nhà nước có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện DA. Sự phối hợp điều hành của một số ban, ngành cấp cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa hội đồng đền bù, GPMB các địa phương với CĐT còn thiếu đồng bộ. Đáng chú ý là vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình chậm được thanh toán, trong khi lãi vay ngân hàng tăng cao đang là khó khăn hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh...

Thừa Thiên Huế: Diện mạo vui từ những khu đô thị mới (28/01)

Thành phố Huế và một số khu đô thị khác nói chung đã và đang từng bước trở thành trung tâm du lịch, văn hoá; trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước và khu vực. Ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư. Trên địa bàn đã có 5 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao và hàng trăm khách sạn nhà khách khác, với trên 5.000 buồng, phòng, tăng gấp 2 lần so với năm 2000; Bệnh viện Trung ương Huế, hình thành hơn 100 năm, đơn vị anh hùng lao động đang ngày một chuyên sâu hơn, với đội ngũ giáo sư, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao; trang thiết bị hiện đại đã thực hiện thành công nhiều ca điều trị phức tạp. Bệnh viện Quốc tế và Bệnh viện phía Bắc của tỉnh đang được đầu tư xây dựng. Đại học Huế có bề dày hơn 50 năm, hiện có hơn 10 trường đào tạo đại học và sau đại học cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Các dịch vụ thương mại, bưu chính-viễn thông, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm… phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà cung cấp có thương hiệu lớn.